wap doc truyen teen

Chương 1: Thi đại học
Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê. Quanh năm quanh quẩn với lũy tre làng, mấy sào ruộng chua cùng bố mẹ, hay chăn dắt con trâu và mang cuốn sách ra nằm ngả ngớn giữa đồng cỏ học cùng đám bạn bè. Có lẽ tuổi thơ của ai cũng hồn nhiên, vô tư, vô lo như thế.

Mỗi lần thấy chiếc máy bay chạy ù ù tít trên trời mây cao, xanh thẳm, tôi và đám bạn đều thèm thuồng, mơ ước:

- Giá mà mình được "bay" cùng nó, dẫu một lần thôi trước khi phải chết, chúng mày nhỉ?

Chúng tôi " Ồ " lên một tiếng, không giấu giếm nổi ước mong của tuổi trẻ là được đi đây, đi đó, xa rời vòng tay của bố mẹ để tự khẳng định mình. Nhưng cũng có đứa lại cười nhăn, môi nó trề xuống rồi cười trêu:

- Học mải cho xong để có cái tấm bằng tốt nghiệp mà lấy chồng, bố mẹ mày gả cho ở làng bên, nhà chồng nó nuôi. Mà tụi bây biết tại sao lại gả cho làng bên không? Ha ha, cho gần nhà mẹ đẻ đấy. Tao thấy bà chị cả của tao, lần nào bị chồng đánh hay giận dỗi mẹ chồng toàn bỏ về nhà thôi, có khi ăn vạ nhà mẹ đẻ cả tuần lễ, chờ chồng qua xin lỗi rồi đón về. Mà có khi còn làm cao nhé, vênh mặt như thách thức: " Đánh đuổi đi thì dễ, chứ về nhà thì đừng hòng". Hết phận nhé, đúng là phận làm đàn bà, học cũng lấy chồng, mà không học rồi cũng phải lấy chồng.

Tôi cười mỉm, đưa mắt nhìn theo chiếc máy bay, xa tít, mờ dần và tự nhủ với bản thân: " Ước mơ chắc cũng chỉ là ước mơ thôi nhỉ? "

- Đan này, mày tính thi trường gì chưa? - Linh đập vào vai tôi nhưng ánh mắt nó thì vẫn dõi theo chiếc máy bay đang nhỏ tí lại như chấm đen giữa bầu trời và vạn tầng mây.

- Em hả? Bố bảo thi nông nghiệp để về làng giúp đỡ bà con hàng xóm, không thì thi ngân hàng rồi về huyện làm.

- Thế mày thích không?

- Không .

- Tôi dứt khoát. - Đấy là ước mơ của bố mẹ, chứ có phải ước mơ của em đâu.

- A .

- Linh hét toáng lên. - Nhìn cái máy bay kia, mày thích không?

Thích . Hỏi thừa.

Vậy hai chị em mình sẽ thi học viện hàng không nhé !

Chẳng cần suy nghĩ, tôi gật đầu ngay, tay tôi và tay Linh đập vào nhau kêu cái " bốp " rồi cười hí hửng trước cái nhìn của đám bạn làng: " Chị em con này coi thế mà ngộ nghĩnh, chúng mày nhỉ? Người ta sống dưới đất mà còn sợ chết, giờ lại có hứng thú thích lơ lửng trên cao. Kiếp này làm người đi, kiếp sau hãy mơ thành loài chim vỗ cánh giữa trời... ".

Khi tôi nói chuyện sẽ thi vào học viện hàng không với gia đình, bố không nhìn tôi và rít một điếu thuốc lào. Bố nói mà như đang quát:

Giỏi thì cứ thi. Thi xong rồi đừng vác mặt về cái nhà này nữa, nghe chưa. Sống ở mặt đất còn chẳng bằng ai. Giờ thích leo lên mây đi kiếm mặt trăng với mặt "giời". Nói một là một, hai là hai, không nông nghiệp thì ngân hàng. Cái kiểu ở đâu mà bố mẹ nói mà dám cãi lại hả?

Thôi thôi, ông đừng có nóng. Để rồi tôi nói cho con nó hiểu. - Mẹ tôi vừa can ngăn bố vừa đẩy cái nhìn về phía tôi ra hiệu đi vào gian nhà trong học bài.

Con hư là toàn tại bà không đấy. Chiều chuộng cho lắm vào. Càng lớn càng khó bảo, con mới chẳng cái. Nói cái hay cái tốt thì không nghe, thích bay với chẳng thích nhảy. Cả cái con Diệu Linh nhà bác cả nữa. Hai cái đứa này, chúng nó giống tính ai thế không biết?

Bố tôi rít thêm điếu thuốc nữa rồi ngồi ở tấm phản gỗ vót nạt tre để mẹ tôi đan rổ rá đem ra chợ bán. Ngoài việc đồng áng, thì đan rổ rá cũng gần như là phần thu nhập chính của gia đình tôi.

Linh đi tắt qua hàng rào hàng dâm bụt, ngó đầu vào bàn học của tôi qua ô cửa sổ. Mắt Linh đỏ hoe và hai bên bầu má ửng lên một màu hồng nhạt:

Đan. Bố tao bảo, tao mà còn cố tình thi vào học viện hàng không thì ở nhà lấy chồng luôn. Mẹ tao cũng không bênh tao luôn, nói học ở học viện hàng không đắt đỏ mà ra trường thì gia đình xin không được việc cho mình đâu.

Có thế mà cũng khóc. - Tôi lườm Linh rồi làm giọng người lớn an ủi. - Chị tưởng tưởng bé lắm đấy mà khóc. Bố em còn không cho em lấy chồng nữa kìa. Chị được thế là còn sướng chán. - Tôi cười gượng mà hai mắt Linh như sáng bừng lên vẻ tò mò.

Tóm lại là cũng không được thi vào trường đó chứ gì. Buồn nhỉ. Mà không cho lấy chồng thì đi học may vá à, hay lên xã đan rổ rá như bọn con gái ở làng mình để xuất khẩu?

Em không biết. Bố em chỉ dọa, em mà còn khăng khăng thi vào trường đó thì đừng có vác mặt về nhà.

Nhưng mai phải nộp phiếu đăng kí về chỗ cô chủ nhiệm rồi. Mày tính thi trường nào. Nghĩ đi nghĩ lại thì tao cũng vẫn thi ngân hàng.

Để em nghĩ đã. Còn cả đêm nay nữa mà.

Linh nhăn mặt rồi kêu đứng mỏi chân, ngoài sân có nhiều muỗi, vào nhà thì sợ bố tôi mắng chuyện hai đứa rủ nhau dám làm trái ý người lớn. Linh lại đi tắt về nhà qua hàng rào hoa dâm bụt. Còn tôi vẫn ngồi trước bàn học, tờ phiếu đăng kí trường thi sắp đến hạn nộp để ngay ngắn trước mặt vẫn trắng tinh. Mẹ tôi vào phòng học và ngồi ở giường, bàn tay lam lũ với những mảnh ruộng chua vẫn thoăn thoắt theo từng mũi kim khâu vá lại chiếc áo để mặc khi ra ngoài đồng. Nếu là bố, chắc chắn ông sẽ tới chỗ tôi đang ngồi và cầm tờ phiếu đăng kí mà phần phật trong tay. Giọng mẹ trầm hẳn, khác với tất cả những gì tôi đang tưởng tượng:

Đan. Nghe lời bố đi con. Bố nóng tính thì nói thế nhưng tất cả cũng chỉ là muốn tốt cho con. Mẹ đồng ý là con thích thi vào học viện hàng không, nhưng đó là thích chứ không phải là cần. Ở tuổi trẻ các con, cái mình thích thì bồng bột làm, sau này nghĩ lại nó sẽ khác con à. Mẹ thì chẳng cấm đoán gì, tương lai là do con. Cứ suy nghĩ kĩ những gì mẹ nói đi.

Mẹ lại lặng lẽ bước ra ngoài như cái cách mẹ âm thầm đi vào trong phòng học, nhìn tôi từ đằng xa, nói với tôi những gì bà nghĩ, không phản đối cũng không ủng hộ. Tôi chỉ còn chị Di Vân, nhưng thôi, chị gái đã đi lấy chồng rồi.

Tôi lại tiếp tục ngồi ở bàn học và mơ mộng về sự phồn hoa hay những ánh đèn lấp lánh, những tòa nhà với kiến trúc từ thời Pháp thuộc hay những khu chung cư cao cấp thường được quảng cáo trên tivi ở phía Nam của Tổ quốc. Tôi cầm cục tẩy xóa rồi dùng bút mực ghi lại nguyện vọng chính thức lần cuối. Tôi sẽ thi vào trường ngân hàng.

Ngày thi Đại học cuối cùng cũng đã chấm dứt trong cơn mưa dữ dội vào đầu tháng bảy. Suốt ba năm cấp ba với những buổi thức thâu đêm vào ngày hạ hay những buổi sáng lờ mờ khói sương trong ngày đông mưa phùn giá rét... mà vẫn phải ghì mình bên bàn học cũng thấm thoắt qua mau. Suốt ba năm với sự cố gắng, nỗ lực, cả sự hoang mang lẫn hồi hộp, kì thi đại học đánh dấu một dấu chấm hết cho thời phải cắp sách tới trường hàng ngày, làm bài tập theo quy định, thậm chí nghỉ học cũng cần phải có chữ kí của gia đình... Tất cả đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi đứa chưa phải người lớn, nhưng cũng chẳng còn là trẻ con nữa như chúng tôi.

Khi tôi vừa bước ra khỏi phòng thi, Linh đã ngồi ở ghế đá chờ tôi, mặt mày hớn hở:

Làm bài được không cô em?

Làm gì có chuyện không được ở đây . - Tôi vui vẻ nắm tay Linh cùng đi về phía cổng trường. Ở đó, bố tôi cũng đang sốt ruột ngóng trông.

Mày đã mơ về đất Sài Gòn trông như thế nào chưa?

Em chịu. Nhưng em biết chắc chắn là, Sài Gòn hơn vạn lần quê mình ở.

Đừng có tỏ ra là đồ nhà quê mãi thế chứ . - Linh trề môi, lên giọng. - Thế một tháng ôn thi ở Hà Nội, mày cảm thấy thế nào?

- Thủ đô thì đương nhiên là gấp vạn lần ở quê mình rồi. Nhưng mà thấy ngột ngạt quá, toàn người với người. Em toàn cảm thấy bị thiếu oxi, chị ạ.

Tôi trả lời thật thà trước nụ cười khó hiểu của Linh, rồi vội vã đi tìm bố tôi giữa biển người xa lạ.
Chương 2: Kết quả thi đại học
Suốt mười hai năm học, lần nào đi họp phụ huynh về bố mẹ tôi cũng khen tôi hết lời vì được nở mặt nở mày với bà con, lối xóm. Nhưng rồi nụ cười trên khuôn mặt của bố mẹ lại tắt ngấm khi thấy cứ hết đứa nọ con nhà ông kia gói ghém quần áo lên thành phố học, trong khi con gái mình vẫn phải quanh quẩn ở nhà, chẳng có một tờ giấy thông báo nào gửi tới. Ngay cả Linh, nó cũng xa làng và theo bác cả vào Sài Gòn nhập học với số điểm cao vời vợi. Vào thời điểm bấy giờ, khái niệm của Internet đối với tôi là gần như là không hề tồn tại ngoài những buổi học lí thuyết mù mờ cùng những cụm từ Tiếng Anh hết sức khó hiểu. Tất cả học sinh trong làng chỉ còn biết ngóng trông vào bác trưởng thôn cùng lá thư định mệnh. Có những hôm, chúng tôi đến ủy ban nhân dân xã ngồi lì ở trước cổng, đuổi thế nào cũng không đứa nào chịu ra về. Tất cả cũng chỉ là vì cái tờ giấy thông báo đậu hay trượt mà thôi.

Tôi cũng thấp thỏm như bố mẹ, chẳng còn tự tin vào bài dự thi của mình hôm ở Hà Nội nữa. Chờ mãi, mong ngóng hoài vẫn im ỉm, mấy đứa bạn thân đi hết cả rồi, tôi đành xin bố mẹ cho lên huyện học may vá, sang năm ôn thi lại. Bố mẹ thở dài, rồi cũng phải đồng ý, vỗ vai động viên tôi. Hẳn bố mẹ buồn và thất vọng nhiều lắm. Tôi đóng cửa phòng và nằm im, ngẩng mặt nhìn lên trần nhà sáng lem bởi ánh điện vàng vọt. Những con thạch thùng màu vàng chanh bám chắc, thỉnh thoảng phát ra tiếng kêu rồn rộn để bắt muỗi. Tự dưng, tôi cảm giác như lòng kiên nhẫn, sự khôn ngoan, cả sự chịu đựng của mình còn không bằng nổi một con thạch thùng nhỏ như một ngón tay áp út đang rình bắt muỗi. Tôi khóc. Ánh trăng lén lút ngoài cửa sổ đang bị vẩn mây đen che mờ dần...

Lên huyện học may được một tuần, tôi càng thấy tủi thân cho mình hơn. Trong nhóm mấy đứa bạn chơi thân với nhau, tôi vào tốp đứa học khá nhất, vậy mà ... . Có lần buồn, nghĩ vẩn vơ mà tôi đi xe đạp đâm cả vào người trong làng, có khi đi ngã nhào xuống cả con kênh, bì bõm nước bùn đen. Bọn trẻ con đi chăn trâu thấy vậy mà cười phá, mấy bác nông dân nhìn tôi mà tội nghiệp. Tôi khóc. Sống mũi cay xè và ran rát. Quần áo tôi ướt sũng, lấm lem bùn lầy.

- Trời đất, có sao không? Đi đứng phải nhìn trước nhìn sau chứ!- Bác hàng xóm gần nhà tôi dìu hai cánh tay tôi dậy, thở dài. - Thế mày vẫn chưa lên thành phố học hả? Làm gì mà lâu thế?

- Dạ chưa bác ạ! Chắc cháu trượt đại học rồi.

- Mày học hành giỏi giang. Xưa nay tiếng tăm đồn thổi từ làng trên xuống làng dưới mà nói trượt. Nói bậy nói bạ.

- Cháu nói thật mà bác. Đám bạn ở làng đi gần hết rồi, mà cháu đâu có giấy thông báo trúng tuyển nào đâu. - Tôi vừa lồm cồm bò từ dưới kênh lên, vừa phải cố giải thích trước sự kì vọng quá nhiều của người hàng xóm đang đứng trước mặt mình.

- Thế bố mẹ mày không tính cho học cao đẳng hay trung cấp à?

- Dạ, cháu đang học may trên huyện, và ôn thi lại, sang năm cháu thi tiếp.

- À. Ừ. Ráng mà học nghe chưa! Ở quê thì lại lấy chồng quê, khổ tấm thân mày. Phải con hơn cha thì nhà mới có phúc chứ. Ở quê mãi thì còn lâu mới đổi đời được, con ạ. Con bé nhà tao thi ba năm liên tiếp mới đỗ đấy thôi. Mới đi hôm kìa à. Mày mới thi có một năm, ăn thua gì mà như người mất hồn thế này..

- Vâng.

- Mà đừng có nghĩ dại rồi làm liều nghe chưa. Khổ mày, khổ cả bố mẹ mày đấy. Đi đứng ngoài đường thì nhìn trước nhìn sau. Nhìn quần áo mày kìa, lấm lem bùn đất không à. Lát về bố mẹ mày lại thêm lo. Con gái lớn rồi, phải biết suy nghĩ chứ.

- Dạ.

Tôi thở dài như bà cụ non. Bác hàng xóm cùng mấy người đang làm đồng chép miệng, rồi lắc đầu về phía tôi.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê này, cây đa cổ thụ ngay cổng làng đã thành nơi hẹn hò, vui chơi không chỉ của tôi và đám bạn, mà ngay cả những người già, trai gái cũng chọn đây là điểm hẹn lí tưởng trong các ngày hội hay đêm trăng. Còn bây giờ, mình tôi ngồi thút thít nhìn lũ trẻ con làng. Bỗng thấy bản thân mình thật vô dụng.

Tôi bơ vơ. Tôi ho dữ dội. Rồi tôi lại chỉ nghe thấy tiếng khóc của chính mình như đang lạc vào trong gió.

Ở làng tôi xưa nay, cũng không biết là đã có bao nhiêu vụ tự tử chỉ vì thi rớt đại học nữa, mà đa phần lại là nữ. Có lẽ vì lý do đó mà bố mẹ tôi càng thêm lo lắng hơn, thấy tôi có biểu hiện gì khác lạ là hỏi han đến nơi đến chốn. Buổi tối hôm nào, bố thấy mặt tôi rầu rầu là lại trải chiếu ra giữa nền nhà ngủ, bắt tôi vào nằm chung với mẹ bằng được mới thôi. Chắc bố lo tôi sẽ làm điều dại dột. Mẹ thì hết lời an ủi:"Học tài thi phận con à. Chị Di Vân thì đi lấy chồng rồi, còn con thì ráng mà giữ sức khỏe để  ôn thi. Con mà có việc gì, thì bố mẹ biết sống làm sao...". Chị Di Vân đang mang em bé nên cũng không về qua nhà thăm bố mẹ và tôi nhiều như trước. Và hình như cũng bắt đầu từ những buổi tối đó trở đi, tôi bắt đầu tập cách sống không đúng với cảm xúc của mình. Tôi cười ở nhà, cười ở chỗ học may. Và chỉ buồn, chỉ khóc khi đang đi rồi nghĩ vẩn vơ ở ngoài đường, hoặc góc giường trong căn phòng nhỏ riêng của riêng mình.

Gần cuối tháng mười năm đó, cái giờ gà lên chuồng rồi mà bác trưởng thôn còn vào nhà tôi đập cổng, kêu í ới. Tiếng chó la sủa inh ỏi, tôi còn nghe rõ tiếng bổ bảo:"Bà vào phòng con Đan xem nó có đấy không? Trời ạ, con với cái ...". Tiếng đôi guốc gỗ của mẹ nện cồm cộp xuống nền nhà tiến về phía cửa phòng tôi. Mẹ thở dài khi nhìn tôi vẫn chong đèn học, nói với ra ngoài:"Nó có nhà, ông ơi". Bố hớt hải vừa chạy ra cổng, vừa"Ừ, ừ ...".

Hóa ra là, tôi có giấy báo trúng tuyển vào đại học. Bố tôi chạy bạt mạng ra đường, cười và hô to. Cả khu xóm hôm đó khó có ai mà ngủ được. Bác trưởng thôn bảo giấy báo theo đường bưu điện gửi sai, tìm mãi rồi còn lạc lên cả khu làng trên. Vậy là, ước mơ vào đại học của tôi chẳng cần phải chờ đến năm sau. Đó là một tin tốt bất ngờ. Tôi vô cùng sung sướng.

Tôi cứ đứng ì người ra cầm tờ giấy thông báo trúng tuyển, mặc cho mẹ đang đưa hai bàn tay gầy guộc trơ gân ra ôm mặt, mếu máo vì niềm vui của đứa con út. Đêm đó, họ hàng nhà tôi đều bị bố sang đánh thức cả, bố mua cả mấy thùng bia và kêu mẹ đi lấy hạt lạc xuống bếp luộc. Bác trưởng thôn dặn, đêm nay phải gói ghém quần áo và gấp sách vở, sáng mai đi Sài Gòn luôn, không thì không kịp nhập học.

Tôi vừa thu đồ, vừa buồn vui khó tả. Tôi chẳng biết mình khóc vì niềm vui của ngày sắp trở thành cô tân sinh viên, hay nỗi nhớ quê hương, xóm làng và bố mẹ khi phải xa nhà nữa. Qua khe cửa sổ nhìn xuống dưới bếp, ngọn lửa vàng leo lắt, những tiếng kêu bập bùng của củi khô còn ẩm ẩm nước bắn ra, kêu độp độp. Tôi thấy hai bàn tay mẹ cứ đưa lên lại đưa xuống liên tục, quyệt hai hàng nước mắt, khóc khóc cười cười. Nhưng biết làm sao bây giờ, tôi cũng lúi húi xuống bếp, rúc đầu vào lòng mẹ. Sẽ phải bao nhiêu lâu nữa đây, tôi mới lại được sà vào lòng mẹ như thế này? Không biết đến lúc nào, bàn tay gầy xương vì nắng, vì gió của mẹ lại luồn qua khe tóc vuốt trơn và an ủi. Mẹ trách tôi vì không nghe lời gia đình, thi vào một trường đại học ở miền Bắc, khoảng một tháng đón xe về nhà một lần. Rồi mẹ lại cười ra nước mắt:

- Mà con gái mẹ lớn rồi nhỉ, phải đi học rồi còn về lấy chồng nữa chứ. Ở nhà mãi, bố mẹ cũng phải già đi thì ai nuôi.

- Học xong, con về nhà ở với bố mẹ luôn. Con không muốn lấy chồng .

- Cha bố nhà cô chứ. Vào Sài Gòn phải chú tâm học hành nghe con. Thiếu thốn gì thì điện thoại về nhà. Bố mẹ chẳng có nhiều nhưng cũng phải nuôi con ăn học đàng hoàng cho bằng con cái nhà người ta. Đừng có ham chơi, ham vui mà hỏng đời con gái. Tụi con trai thành phố nó xấu lắm, phải đàng hoàng, đứng đắn đừng để nó lợi dụng. Nghe chưa Đan?

- Dạ. Nhưng con nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ chị cả, ....

Vòng tay mẹ siết chặt người tôi hơn. Đôi vai gầy của mẹ càng thêm run rẩy. Ánh lửa vàng bập bùng cháy soi rõ gương mặt mặt mẹ tôi, những nếp nhăn nơi đuôi mắt nheo lại, và những giọt nước mắt mằn mặn lăn dài xuống hai bên gò má.

Đêm nay, chẳng cần bố bắt ép như mọi khi, tôi cũng sẽ phải ngủ với mẹ. Ngày mai, tôi đi rồi, ....

Trên nhà, mắt bố đỏ au nhưng những đường nét trên khuôn mặt thì hân hoan lắm, các cô bác hồ hởi bảo:"Dòng dõi họ Đàm nhà mình là vinh danh lắm đấy, chưa đứa nào rớt đại học đâu"hay"Con Di Đan đâu, lên đây bác cho vài chục ngàn để lấy may mắn mai lên đường nào", ... .

Rồi ngày mai, bố đưa tôi đi.  
Chương 3: Chuyến tàu Bắc - Nam và"cơn nghiện đi xe buýt"
Mẹ tiễn tôi ra tận ga tàu Nam Định, dặn dò thêm nhiều chuyện. Mẹ bảo thỉnh thoảng điện thoại về nhờ bác hàng xóm nói mẹ qua nghe máy. Tôi dạ vâng rồi luống cuống chân tay giúp bố kéo vali và hành lý lên tàu. Cô nhân viên ga tàu thì nói liến thoắng:"Quý khách vui lòng lên tàu và ổn định chỗ ngồi. Đoàn tàu chỉ dừng lại ở ga Nam Định hai phút. Đề nghị quý khách nhanh chóng và khẩn trương...".

Bố và tôi đã tìm thấy số ghế và ngồi ổn định vào vị trí, tàu bắt đầu lăn bánh chầm chậm, cánh tay mẹ đưa cao lên vẫy vẫy, dáng mẹ với chiếc áo màu nâu sờn, tần tảo, gầy hao dần xa mãi.

Hơn một ngày trên tàu là bấy nhiêu thời gian tôi nhớ nhà quay quắt. Bố vô tư xem tivi, rồi ăn uống. Ngày đó, bố cũng chưa có di động để tôi gọi về cho mẹ. Nhớ lắm.

Chuyến tàu thống nhất vẫn ngày đêm băng qua bao tỉnh thành. Từ những cánh đồng lúa bạt ngàn đượm nắng vàng như tấm thảm, chuẩn bị cho một mùa bội thu vụ thu-đông. Đến những mảnh đất cằn khô chỉ thấy sỏi đá với cát trắng khô bụi bay mù, làm không khí bên ngoài như vẩn đục, vài cây thông mọc chỏng chơ như kẻ phạm tội bị đi lưu đày giữa cồn cát. Có lúc đi vào hầm núi tối như mực khi trời đang còn là giữa buổi trưa. Có lúc tôi đi qua những vườn trồng thanh long rộng mênh mông, xanh đậm và lớn ngổng như đám xương rồng. Rồi có khi, tôi thấy đường ray tàu đi sát cận kề với biển, nước xanh, những con sóng đập mạnh, xô vách núi rồi lại lăn tăn gợn tràn vào mặt bờ cát trắng tinh và đẹp như tranh sơn dầu. Lúc đấy, bố vui sướng:"Sắp vào Sài Gòn rồi, Đan ơi. Từ cái ngày Sài Gòn giải phóng, giờ bố mày mới có dịp được quay lại đây". Tôi thấy nét mặt bố hân hoan như đêm hôm trước, ánh mắt rạo rực như cười thầm, những vết nhăn, vết chân chim xếp lại theo hàng phía cuối đuôi mắt, bố khịt khịt mũi. Bố đang xúc động mạnh khi nghĩ về thời chiến oanh liệt năm nào.

Một đứa như tôi có thể cho là ngốc nghếch, khờ khạo khi chân bước chân ráo lên thành phố học đại học. Bố theo địa chỉ bác cả đưa, dẫn tôi vào chỗ chị Linh ở. Linh bằng tuổi tôi, nhưng vì bố là em thứ nên phải gọi"chị"cho phải phép khi nói chuyện trước mặt người lớn, chứ ở quê đi ra đồng với nhau thỉnh thoảng vẫn toàn xưng hô mày-tao, rồi cười ha hả. Dù cùng trúng tuyển vào một trường đại học nhưng Linh nhận được giấy thông báo trước tôi cả tháng. Phòng trọ có mười sáu mét vuông, có nhà vệ sinh riêng và có cả gác xép, hai chị em ở cũng vừa đủ một khoảng để học tập và sinh hoạt. Xung quanh có khoảng chục phòng trọ nữa, đa phần là sinh viên tỉnh và công nhân hoặc phụ hồ. Nghe Linh kể sơ qua thì cô chủ trọ là người gốc Sài Gòn, môi săm màu đỏ như trên tivi hay quảng cáo những dịch vụ phẫu thuật thẩm mĩ với giá cá phải chăng, tóc làm xoăn và bối cao, tính tình cũng khá dễ chịu.

Bố dặn, hai chị em bảo ban nhau mà học, đứa nào hư hay nghịch ngợm gì thì cứ điện thoại về quê, bố tôi vào tận nơi lôi cổ về nhà cho lấy chồng, không có học hành gì hết. Tôi và Linh bịt miệng cười tủm, vì xưa nay, chị em tôi chăm học có tiếng rồi cơ mà.

Chúng tôi ở quận Thủ Đức, nghe mấy chị học trong Sài Gòn về quê đều bảo Thủ Đức còn nghèo và khổ lắm, nhưng tôi chẳng biết nghèo gì mà so với làng tôi thì đúng là một"con ếch"với một"con bò". Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi đi một chặng đường cũng khá dài từ ga tàu về tới phòng trọ. Một cảm giác lạ xộc thẳng lên mũi, tôi ngẩng đầu lên mà nước mắt vẫn từ từ chảy xuống mặt.

Bố đi với tôi bằng xe buýt lên trường ngay chiều hôm đấy. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn sợ hãi. Xe buýt không như tấm quảng cáo mà xưa nay tôi vẫn nghe:"Văn minh, lịch sự". Xe buýt dồn người đến mức, tôi co một chân lên vì quá nhức mỏi, vài giây sau thì phải đứng bằng một chân còn lại luôn. Vài gã thanh niên ăn mặc vẻ bụi bặm, mắt nhìn rất gian trá, đảo qua đảo lại. Bác tài xế nhắc nhở rất to:"Cẩn thận kẻ gian lợi dụng trong lúc xe đông người mà thực hiện những hành vi xấu như: móc túi hay sàm sỡ". Tôi nghe xong mà sợ hãi, bậu chặt tay mình vào áo của bố.

Xe buýt làm tôi nao nao cổ họng, mặt mày xanh xẩm khiến bố tưởng tôi bị trúng gió. Bố lo lắng quá đành đưa tôi xuống trạm xe buýt gần đó nhất, rồi hai bố con đi xe ôm tới trường. Một chị sinh viên mặc áo màu xanh đậm, tự giới thiệu là người bên Đoàn khoa tới hướng dẫn tận tình cho tôi về việc mua một tập vé xe buýt đi hàng tháng đề tiết kiệm chi phí hơn. Tôi nhìn bố đầy sợ hãi rồi lắc đầu:"Con sợ lắm".

Và ngay sau buổi lên trường làm thủ tục nhập học, tôi còn chưa kịp ngó nghiêng xem khuôn viên trường lớp thế nào thì đã phải nằm ở phòng trọ hai ngày liền. Đó là hai ngày sốt cao, vã mồ hôi, và ăn cháo loãng. Thế mới biết Sài Gòn có cái"hay"vốn có mà xưa nay hầu như sinh viên nữ nghèo nào ở quê lên cũng đều được nếm mùi cả. Linh bảo tôi đi vài bữa sẽ quen, mà không chịu nổi thì đi xe đạp. Tôi ngẫm bụng, nếu không có xe đạp, tôi cũng thà chạy bộ còn hơn.

Trong khi đó, Linh vẫn tập đi xe buýt hàng ngày tới trường. Mỗi lần đi học, Linh dùng đến bốn cái khẩu trang và trưa về thì thở dốc rồi ngủ mê mệt đến tận chiều tối. Tôi khuyên hai chị em nên đi chung xe đạp với nhau mà Linh còn đùa:"Mày nặng cân hơn tao, tao đèo mày thì người tao sụt cân mất".

Một tuần sau, Linh dõng dạc tuyên bố:"Đan ơi, bây giờ tao"nghiện"đi xe buýt mất rồi. Bắt đầu từ tuần sau, thay vì bốn chiếc khẩu trang trong một ngày, sẽ chuyển thành sáu chiếc khẩu trang trong vòng một buổi sáng". Tôi cười nhăn nhó trước"cơn nghiện"đi xe buýt của Linh. Hôm sau, Linh thì thào:"Mày đèo tao nhé, tao ngồi sau. Tao hứa không cù vào lưng, ngược lại, tao sẽ đạp chung xe với mày nữa...".

Bố ở lại thêm ba hôm gặp đồng đội cũ rồi đi xe ô tô khách về quê. Bố cười bảo, đi xe khách người ta mở cửa sổ, gió mát lồng lộng, giá cả lại rẻ, có khi còn khỏe cả người. Bố dè chừng bảo tôi và Linh thêm lần nữa, hễ mà nghe thấy điều tiếng không hay, làm bố mẹ mất mặt với hàng xóm thì đừng có mà vác mặt về làng. Tôi mím môi, gật đầu. Lần này, thì tôi nghe lời cảnh cáo của bố một cách nghiêm túc.

Tôi và Linh chơi với nhau từ ngày còn trong cái trứng nên hiểu tính hiểu nết của nhau lắm. Hai đứa bắt đầu chia công việc, tiền nộp nhà, nộp tiền điện, tiền điện nước hàng tháng. Ngày chẵn thì tôi nấu cơm, Linh giặt đồ; ngày lẻ thì ngược lại; còn chủ nhật thì chia đôi và chuyển luân phiên theo tuần. Con gái là hay để bụng, nên phải phân bua rạch ròi, kể cả là chị em trong gia đình đi chăng nữa.
...................................................
Đọc truyện teen hay nhất tại yeutruyen365.wap.sh
...................................................
Chương 4: Sinh viên và những môn học"khó nuốt"
Tôi là con gái Bắc, các bạn trong Nam gọi là dân Bắc Kì khiến tôi không vui và càng không được thoải mái. Việc nghe đám bạn ở trong lớp giao tiếp với nhau đối với tôi cũng là điều rất khó khăn và vô cùng lạ lẫm. Tôi căng tai ra nghe cũng chỉ hiểu được vài chữ từ những cô gái miền Nam hoặc miền Tây, còn những cô gái miền Trung thì tôi đành chịu, chỉ biết thốt lên:"Bạn ơi, nói lại, chậm chút được không?". Và bạn ấy cười, hai má hơi bừng đỏ nhưng không giận. Khó khăn đến cả tháng, tôi mới tìm được mấy bạn người Bắc để nhập bạn làm bè chung. Một lớp có hơn trăm người, thì cũng hơn mười nhóm chơi tụ tập, ai biết người nấy. Thành phố với thành phố, người quê với người quê. Mà cũng có khi hỏi ra mới biết, mấy bạn người quê nhưng nhà giàu, có điều kiện nên cũng sành điệu lắm, chơi chung luôn cùng hội người thành phố. Nhưng cũng chỉ được vài hôm, có bạn ở nhóm tôi đã lon ton chơi với các bạn gốc Sài Gòn. Bạn ấy bắt đầu lơ lớ giọng, ngượng nghịu nói vẻ tiểu thư. Tôi tủm tỉm cười vì sao bạn ấy học nhanh đến thế. Nhưng có nhìn bộ mặt ngu ngơ như bò đội nón của bạn ấy mới biết, dù cố phát âm cho ra tiếng Nam thì khi nghe người Nam nói chuyện, bạn ấy cũng chẳng hiểu nhiều hơn tôi. Mà cũng có khi ngồi bà tám với đám bạn mới quen, mới biết bạn ấy gọi điện về thăm gia đình, tập nói giọng Sài Gòn ra vẻ bị bố mẹ chửi xa xả ở đầu dây bên kia. Đấy, đáng đời nhé! Tôi cười thầm trong bụng.

Tôi về kể cho Linh nghe những điều thú vị, không thể nào nhịn cười được ở trong lớp học. Linh cười toe rồi méo miệng học đòi làm theo khiến tôi cũng phải ôm bụng cười tiếp. Sau khi học bài xong, chúng tôi dùng rất nhiều đoạn ruy băng với đủ màu sắc để kết thành vô số những bông hồng hay ngôi sao. Rồi chúng tôi lại tự tay đính từng bông, từng bông bằng sợi chỉ trắng ra phía ngoài của chiếc màn; những ngôi sao thì đựng vào hộp nhựa để trang trí trên bàn học hoặc dán lên bề mặt tường. Căn phòng tưởng như chật hẹp, đầy mùi ẩm mốc ở cái nơi được coi là ổ chuột của Sài Gòn này cuối cùng cũng sáng bừng lên nhờ đôi bàn tay khéo léo của hai cô gái đến từ phương Bắc. Chúng tôi cười sung sướng trước thành quả lao động của mình.

Linh nằm ngửa ở giữa giường, những ngón tay vẫn thoăn thoắt chỉnh lại những bông hồng còn dư ra để nối vào phần dây dùng để treo chuông gió. Linh đùa tôi:

- Nhờ tay chị Linh này đấy, cô Đan ạ. Chứ cô Đan thì ở bẩn mà vụng về như em Cám chứ đừng đùa.

- Ai chẳng biết chị Linh chỉ có ba bông hoa tay. Sao bằng em Đan, mười ngón mười bông hoa nở rộ thơm ngát nhá.

Tôi cười to vì câu trả lời hoạnh họe có phần khoe khoang của mình. Thực ra chỉ với ba bông hoa trên đầu mười ngón tay, nhưng Linh rất khéo, thêu thùa rất đẹp, đặc biệt là chị ấy nấu ăn vô cùng hợp khẩu vị của tôi. Rồi chúng tôi ôm nhau chìm vào giấc ngủ sau buổi tối vui vẻ giữa mảnh đất không một người thân, không một người cùng chung máu mủ.

Từ quê lên thành phố, chúng tôi gần như nói không với môn tin học văn phòng và anh văn cơ bản ở ngay học kì đầu tiên. Nói đến mail, tôi lắc đầu vì chưa một lần biết đến online qua yahoo là gì. Nói đến anh văn giao tiếp, tôi càng chưa một lần phải đối thoại với ai ngoài việc học từ vựng mà những giáo viên bộ môn thời cấp hai, cấp ba yêu cầu mỗi ngày phải học ít nhất mười từ mới.

Chúng tôi tốn khá nhiều tiền cho việc ra quán nét ở ngay đầu hẻm khu trọ để học cách làm quen với việc"được"chạm vào máy vi tính thì cảm giác nó sẽ như thế nào. Sau đó là cách khởi động hay tắt máy; cách lê chuột lên xuống hay qua trái qua phải; cách mò mẫm từng ô chữ ở bàn phím đề ghép thành từ, thành câu bằng việc sử dụng dấu trong Tiếng Việt; cách truy cập website với những trang thông dụng hay địa chỉ của trường hoặc Đoàn khoa mình đang theo học để cập nhật những thông báo mới nhất...

Chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian để tập luyện trước gương cho lần đầu tiên mở miệng phát âm những từ vựng tiếng anh dù biết nghĩa nhưng chưa một lần sử dụng trong giao tiếp trước hơn một trăm thành viên trong lớp học. Việc nói ngọng theo tiếng địa phương, việc phát âm sai hay những dấu nhấn nhầm ở các từ vựng khiến nhiều thành viên cười ồ lên vẻ đầy thích thú và châm trọc. Xấu hổ là một điều tất yếu không thể không tránh khỏi, nhưng việc cười nhạo của đa số bạn bè trong lớp đã khiên tôi suy nghĩ rất nhiều. Và có lẽ đó cũng chính là một trong những lí do khiến tôi không muốn thân thiết với bất kì bạn nữ nào trong lớp học.

Tôi vẫn nhớ nụ cười của Mai - người ngồi chung bàn với tôi từ ngay những ngày đầu tiên vào lớp. Mai sở hữu một gương mặt đẹp, đôi lông mày cong không nhổ tỉa cùng mái tóc dài buộc gọn lại phía sau. Khi tôi phát âm sai, tiếng cười ồ lên như tiếng sét đánh bất ngờ. Tôi đưa ánh mắt mình ngay về phía Mai - người bạn tưởng chừng như thân thiết nhất trong lớp - đang ngồi với sự lo lắng và cần được giúp đỡ lẫn sự cảm thông. Nhưng không có gì ở khu vực đó cả, nụ cười tươi tắn của Mai cùng hòa nhịp với tiếng nói cười không ngớt của bạn bè trong lớp đã đập thẳng vào mắt tôi. Tôi cố bước về chỗ ngồi với lời động viên của cô giáo bộ môn cùng điểm sáu đỏ tươi không hề muốn. Mai vui vẻ:

- Giọng ở quê cậu nghe buồn cười thật đấy.

- Thế à?

Rồi tôi im lặng nghe phần trình bày bằng tiếng anh của Mai. Tiếng cười lại ồ lên như kiểu đám học sinh thành phố về miền núi đi du lịch và bất ngờ nhìn thấy một con vật lạ nào đó mà nó chưa bao giờ được xuất hiện trong trí tưởng tượng của bọn họ vậy. Mai về chỗ ngồi với điểm năm cùng cái nhăn mặt và đôi môi mím chặt.

- Sao điểm của tớ lại thấp hơn điểm của Đan nhỉ?

- ...

- Ý tớ là tớ nói tốt hơn cậu đó.

- Sao Mai nghĩ cậu nói tốt hơn mình?

- Vì khi mình nói sai, mình có thấy Đan cười mình đâu?

- Mai nghĩ thế à? Với Đan, việc cười cợt giữa những người bạn nữ với nhau chẳng có gì hay ho cả, cho dù là họ không bằng mình đi chăng nữa. Điều đó cũng vô cùng lố bịch.

-...

- Mai nhìn tôi. Đôi môi bạn ấy mím chặt hơn. - Xin lỗi vì sự vô duyên của mình.

Và sau lần đó, Mai không còn ngồi cạnh tôi nữa. Người bạn kế tiếp ngồi bên tôi là Hiếu, một câu sinh viên cũng từ Bắc vào Nam.

Sau bữa cơm tối của buổi học anh văn đầy căng thẳng, tôi ngồi kể lể than khổ than khóc lại tất cả mọi chuyện cho Linh nghe. Linh cũng không hơn gì tôi cả. Thậm chí lớp của Linh, đám bạn nữ còn"vô tư, đáng yêu"hơn thế rất nhiều. Thay vì phải đứng trước gương để tự kỉ như mọi lần, tôi và Linh quyết định nhìn thẳng vào mặt nhau và"hét toáng"lên những câu từ anh văn đáng ghét. Đến khi thấm mệt thì hai đứa lại ôm nhau chìm vào giấc ngủ như chưa hề có chuyện gì xảy ra...

Là sinh viên mới biết, chơi nhiều hay học nhiều là do ý thức của mỗi cá nhân. Bước vào năm thứ nhất, chúng tôi vừa học vừa chơi. Kiến thức chuyên ngành không nhiều, đa phần là làm quen với cách học của chương trình đại học khác với thời phổ thông, cùng các môn cơ bản, hoặc môn xã hội. Tôi và Linh cũng chẳng mấy khi lên thư viện ngồi hàng giờ để nghiên cứu bài vở như lời bố mẹ căn dặn. Cũng chẳng còn những buổi sớm thức dậy từ bốn giờ sáng để học thuộc bài trước khi lên lớp. Càng không có chuyện xảy ra là thức đến nửa đêm để mày mò tìm các cách giải khác nhau cho những bài tập nâng cao trong những cuốn sách dày cộp. Càng không có chuyện phải căn từng giờ từng phút để chạy vào lớp không thì sẽ muộn học và phải dọn nhà vệ sinh hay phạt trực nhật, lau bảng... Cảm giác chẳng khác nào như con chim được sổ lồng, như con sâu róm được thoát khỏi lớp kén dày... tha hồ mà vùng vẫy và cựa quậy.

Tôi đành giết thời gian bằng việc đi làm thêm cùng Linh vào ca chiều, có đồng ra đồng vào lại phụ thêm được tiền bố mẹ ở nhà. Bỗng thấy mình được việc, chẳng phải ăn bám bố mẹ ở quê nhiều. Nghĩ đến thế thôi là tôi và Linh lại cười sung sướng, càng quyết tâm chăm chỉ đi kiếm việc làm.
Chương 5: Xin việc làm thêm và mối thù thời thơ ấu
Chúng tôi nhăn nhó với hai bản hồ sơ xin việc trên tay để đến nhà hàng ăn lớn ngay trung tâm quận Một giữa cái nắng gay gắt của Sài Gòn. Linh dặn, chủ quán hỏi đã có kinh nghiệm chưa thì cũng phải gật đầu lia lịa. Linh nhắc, chủ quán có yêu cầu làm thử một việc gì đó thì cũng cố gắng hết mình và tập trung hết sức... Tôi gật gù:

- Thưa chị là em nhớ rồi, mấy cái kĩ năng phỏng vấn mà chị tìm kiếm trên mạng hôm trước em đã thuộc làu làu. Chăm chỉ học hành đến nỗi đêm ngủ còn bi bô tập nói, tập nhớ cách đi đứng, học phép cư xử lịch sự thế nào cho phải phép là chị biết rồi đó.

- Hôm nay cô Cám Đan nhà mình ngoan ghê.

Tôi lại trề môi đáp lại Linh. Linh giương tay lên cao, cái miệng tru tréo dọa nạt:

- Thích cong cớn hả?

- Gớm quá. Trọc chị Tấm Linh thì chị khoét mắt em ra à...

Nhà hàng rất lớn, có bốn lầu, được xây theo kiến trúc thời Pháp thuộc và quét vôi màu trắng xám rất ấn tượng. Tôi nhớ như in hình ảnh Diệu Linh mải ngắm nghía nhìn tòa nhà mà lớ ngớ đâm sầm vào bụi hoa trước cổng. Đầu gối Linh gập xuống mà miệng vẫn xuýt xoa:"Đan ơi. Tòa nhà đẹp quá !"

Tấm bảng đen ghi phấn trắng đặt ngay ngắn trước cổng ra vào:"CẦN TUYỂN GẤP TIẾP TÂN, NHÂN VIÊN PHỤC NỮ NỮ, LƯƠNG CAO".

Tranh thủ Linh đang ngồi nghỉ ở ghế đá nhà hàng bên cạnh để nắn bóp lại cái chân đau, tôi vội đi tới gần cửa nhà hàng, kiễng chân nhòm ngó vào sâu bên trong thăm dò một lượt. Ngay ngoài cửa đã có hai cô gái xinh đẹp, mặc áo dài và nụ cười rất tươi. Công việc của họ mà tôi nhìn qua chỉ là cúi chào khách và kéo cánh cửa ra vào. Theo kiến thức tìm hiểu ở trên mạng thì tôi biết đó là công việc của những người tiếp tân. Bên trong là các cô gái bận váy như những người đầu bếp thường xuất hiện ở các chương trình hướng dẫn nấu ăn trên tivi, trên đầu đội một chiếc mũ nhỏ rất xinh xắn, tay cầm bút và cuốn sổ nhỏ, chăm chú ghi chi chép chép. Sau một vòng thăm dò, tôi quay trở lại và mở túi xách lấy chai nước lọc đã chuẩn bị trước ở nhà đưa cho Linh:

- Chị Linh! Thích mặc áo dài hay mặc váy?

- Chị hả? - Linh tròn mắt vì câu hỏi bất ngờ, và mục đích cũng không rõ ràng. - Thôi, người như chị mày thì mặc cái gì lên người mà chẳng đẹp.

- Ôi, quỷ thần ơi, đừng có tự khen mình mãi thế chứ! - Tôi cười nham nhở. - Không đùa nữa, em thấy họ tuyển tiếp tân thì mặc áo dài, đứng ngoài cửa chào khách. Nhân viên phục vụ thì mặc váy, ghi món ăn khách gọi và dọn lên bàn ăn... Mà hình như còn phải dọn cả bàn xuống dưới khi khách dùng món ăn xong và quét nhà nữa thì phải.

- Thế mức lương thì sao?

- Em thấy họ ghi"LƯƠNG CAO", chắc là cao gấp đôi cái tòa nhà này ý nhỉ! - Tôi lại cười khúc khích.

- Gớm! Cô Cám ác vừa vừa thôi chứ. Có bốn tầng mà tôi nhìn lóa cả mắt, vấp ngã sưng cả chân. Giờ lương gấp đôi chắc mắt tôi bị lòa và chân phải bó bột, còn cổ thì gãy làm đôi vì cứ cố ngẩng lên nhìn quá.

Linh là người rất biết đùa và cực kì vui tính nên chúng tôi rất thoải mái, hai chị em chẳng mấy khi so bì hay toan tính những điều nhỏ nhặt (ngoài việc nấu cơm hay giặt quần áo ở phòng trọ). Chúng tôi ngồi thì thầm to nhỏ khoảng mươi phút sau thì chỉnh lại quần áo và bắt đầu đứng lên. Tay Linh nắm chặt tay tôi. Tôi cảm nhận được mồ hôi trong lòng bàn tay Linh ướt sang cả tay tôi:

- Em run quá.

- Đi xin việc chứ có phải đi ăn trộm ngô hay bới khoai của nhà người ta như hồi còn ở quê đâu mà run.

- Rõ ràng là chị cũng run mà còn nói dối.

- Ai bảo thế?

- Tay chị siết chặt tay em như thế này còn gì? - Tôi vùng vằng hất tay Linh ra. - Mồ hôi ở tay chị ướt sang cả tay em nữa này.

- Thôi thôi, coi như chị xin mày. Đứng ngay cái lưng lên xem nào. Á hậu của làng mà lưng cong như vầng trăng khuyết thế này à?

Tôi bật cười, nhìn dáng Linh thật là"thẳng đứng".

Sau một hồi run rẩy đối đáp với anh chàng trẻ măng tự xưng là quản lý của nhà hàng, thì chúng tôi cũng được nhận vào làm việc với mức lương tám ngàn đồng một giờ, không hạn chế và quản lý thời gian. Linh xin vào làm ở vị trí tiếp tân. Tôi từ chối lời mời của anh quản lý và muốn làm ở khâu phục vụ. Đơn giản vì tôi thích lên tầng này, tầng kia, chạy qua phòng này phòng nọ. Cảm giác đứng gập người chào khách và chôn chân ở một chỗ suốt mấy tiếng đồng hồ là điều tôi không bao giờ dám tưởng tượng đến.

Buổi tối đầu tiên chúng tôi trở về nhà sau tám tiếng làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Đồng hồ điểm hai mươi hai giờ đúng. Linh ngã ngửa xuống giường, hai chân co lên lại duỗi thẳng. Tôi thì chạy ngay vào nhà vệ sinh, cơm nhà hàng nấu theo kiểu phương Tây khiến tôi muốn buồn nôn.

- Đan ơi, nấu mì tôm đi. Cơm nhà hàng ngon nhưng mỗi người được một khay bé tí tẹo. Ăn như uống nước ý. Chẳng thấm tháp gì cả...

- Chị nấu mì giùm em đi. Chân em như muốn rụng ra rồi đây này...

- Thôi, mày nấu đi. Hôm qua, chân chị bị sưng. Hôm nay, lại phải đứng liên tục gần mười tiếng đồng hồ nữa...

Sáng hôm sau mở mắt ra chuẩn bị đi học, tôi và Linh ngơ ngác nhìn nhau khi thấy hai cái bát tô còn cẫn nước mì tôm nằm lăn lóc ở chỗ nấu ăn:

- Hôm qua, chị nấu mì cho em ăn à ?- Tôi gãi đầu hỏi Linh .

- Đêm qua, vì sao mình lại có mì ăn liền nhỉ? - Linh cạu mày, nhìn lại tôi .

Chúng tôi cười khanh khách vì chẳng nhớ chuyện gì đã xảy ra cả, sau đó cả hai lại tranh giành nhau bằng được cái nhà tắm để vệ sinh mặt mũi trước khi lên trường.

- Mày đèo chị nhé!

- Em nhớ ra rồi, đêm qua em nấu mì cho chị ăn đấy. - Tôi tru tréo và phàn nàn, mà thật ra tôi có nhớ được điều gì đâu.

- Chị xin, chân chị bị đau.

- Lại dùng mĩ nhân kế rồi. Chẹp chẹp.

Chúng tôi long dong tới trường dưới cái nắng dịu dàng của ngày mới.

Từ sâu trong tiềm thức, tôi chẳng bao giờ quên được hình ảnh: chị Linh xinh đẹp của mình đội nắng đội mưa, chẳng quản ngại những ngày đông giá rét hay những cơn nóng nắng hơn bốn mươi độ giữa trưa ngày hè qua nhà đèo tôi đi học suốt một học kì năm lớp chín. Chuyện xảy ra chẳng qua cũng chỉ là hậu quả từ một vài lời trêu đùa quá đáng của những đứa trẻ con với nhau.

Ngày ấy, khi Linh đang ngồi vắt vẻo trên cây ổi giữa vườn và nhai ổi giòn rau ráu, tôi đi ngang qua liền gào lên khi thấy con bọ nẹt bám trên áo Linh:

- Con bọ nẹt nó bám vào lưng áo của chị kìa. Lấy que khều nó ra ngay không là sẽ bị ngứa người đó.

Linh tròn mắt rồi nhanh như sóc, Linh nhảy xuống và lột luôn chiếc áo ra ngay trước mặt tôi. Linh lật lại mặt phải của cái áo nhưng chẳng có con bọ nẹt nào cả. Giọng Linh ráo hoảnh:

- Hay là lúc chị nhảy xuống, nó bị rơi ra rồi ý Đan nhỉ?

- Con bọ nẹt có nhiều chân lắm, không thể rơi ra dễ dàng như thế được đâu . Chị tìm kĩ lại xem nào -  Tôi cạu mày.

Đúng lúc đó, anh hàng xóm gần ngay cạnh nhà đi đâu về vội hét toáng lên:"Linh, Đan, tụi mày đang làm cái gì đấy hả?". Tôi ú ớ không biết nói gì, còn Linh co chân chạy, vừa chạy vừa cố mặc lại cái áo đã xỉn màu.

Vài ngày sau, khi tôi đang ngồi vắt vẻo trên cây ổi giữa vườn và nghe anh hàng xóm huýt sáo bằng ống tre tự làm. Linh đi qua và lại hét lên:"Đan, con bọ nẹt đang ở ngay cổ áo mày kia kìa". Tôi hốt hoảng và hai chân loạng quạng không tìm thấy cành ổi nào chắc để trụ chân. Tôi ngã sõng soài xuống sân trát bằng nền xi măng cứng nhắc. Đến khi đi lên bệnh viện thành phố, bác sĩ nói tôi bị gãy chân, Linh mới sững người:

- Hôm mày bảo con bọ nẹt ở sau lưng áo của chị là thật hay đùa?

- Em đùa chị làm gì. Chị đang ở trên cây chứ có phải dưới đất đâu, với lại chị chứ có phải con khỉ đâu mà biết leo trèo. Em có bị điên đâu mà đùa dại như thế.

- Mày nói thật hả?

- Em thề có ông trời. - Mặc dù lúc đấy tôi đang nói chuyện với Linh vào lúc chín giờ tối.

- Đan, đừng giận chị nhé!

- Giận gì cơ? - Tôi không hiểu bà chị xinh đẹp với gương mặt đang ngây ngô, và tỏ vẻ ngu ngốc đang nói chuyện gì với mình nữa.

- Chị tưởng mày đùa chị, lại còn bị thằng hàng xóm nó nhìn thấy hết khi chị không mặc áo nên hôm trước chị đùa lại là có con bọ nẹt ở cổ áo của mày. Chị xin lỗi, chị không biết là mày sợ cái con vật có nhiều lông đấy đến như thế. Mà thực ra, nó hiền khô và đẹp mà, màu lông của nó ý, màu xanh đẹp lắm...

Tôi há hốc miệng trước lời giải thích của Linh. Linh đến thăm, tôi đuổi Linh về. Linh qua nhà chơi, tôi khóa cửa phòng laị. Một thời gian sau, bác sĩ nói chân tôi sẽ để lại một vết thẹo dài. Tôi càng bực tức khi nghĩ tới cảnh Linh được khoác lên người những chiếc váy xinh đẹp, còn mình phải đeo tất da hoặc chỉ mặc được quần dài...

Sau một thời gian Linh đưa đón tôi đi học không kể nắng mưa, hay sẵn sàng đạp xe mười cây số để về nhà lấy vở bài tập nộp cho giáo viên khi tôi quên mang đến lớp; thậm chí, Linh sẵn sàng chịu kỉ luật trước nhà trường vì hành vi đánh một bạn gái ở lớp kế bên khi bạn ấy viết lá thư nhằm hăm dọa tôi vì bạn trai của cô ta bị"say nắng"khi gặp tôi và Linh trong một buổi cắm trại... thì mối quan hệ của tôi và Linh mới bắt đầu cải thiện.

- Linh. Chị ghét em hả?

- Chị xin lỗi. Chị không ghét em.

- Chị bảo vệ em để rồi bị chịu kỉ luật của nhà trường là dọn nhà vệ sinh nữ. Chị đúng là bị dở hơi...

Nói xong, tôi tập tễnh đi lấy rễ xương dừa để quét dọn khu nhà vệ sinh và gắt gỏng:"Linh, chân khỏe như chân voi thì đi lấy xô nhựa mà múc nước dội đi, em què như lão thầy bói thì để em quét cho. Nhanh lên, trời mùa đông sắp tối rồi lạnh lắm".

Khi ấy, tôi nhìn thấy nước mắt Linh lăn ra.

Nhớ lại chuyện đã qua, tôi quay lại hỏi:

- Linh, chị biết ngày xưa em ghét chị nhiều như thế nào không?

- Ghét tao sao còn dầm mưa phùn mùa đông để quét nhà vệ sinh giúp tao làm gì.

- Chị thật là... - Tôi bực tức. - Chị hâm. Chị tin em hất chị xuống đường ngay bây giờ không hả?

Chưa kịp làm gì, cả tôi và Linh đều tròn mắt khi nhìn thấy hai cô gái ở phía bên đường đang ôm và hôn nhau rất thắm thiết.Và sau đó, chúng tôi cũng im lặng suốt đoạn đường còn lại.

Đoạn đường bỗng như bị kéo dài ra...

Ngày thứ hai đi làm về, Linh vẫn quay sang ôm người tôi và ngủ như trước kia. Vậy mà, tôi có cảm giác lạnh hết sống lưng và lòng bàn tay ướt sũng mồ hôi.

Ngày thứ ba, thứ tư và những ngày sau đó, tôi chờ cho Linh ngủ say rồi mới dám lên giường và từ từ nằm xuống bên cạnh. Nhưng nửa đêm, tôi lại bị giật mình bởi một bàn tay lạnh chạm vào người. Tôi mở mắt nhìn lên trần nhà, rồi đưa mắt nhìn sang Linh đang nằm bên cạnh. Ánh trăng soi rõ từng đường nét trên khuôn mặt đẹp của Linh đang chìm trong giấc ngủ ngon lành.
.:TRANG CHỦ:.
Copyright © 2013 YeuTruyen
1
truyen teen wap hay
Polly po-cket