Polly po-cket


wap doc truyen teen

Chương 6: Món quà xa xỉ và cái Tết xa nhà
Cuộc sống của tôi và Linh cứ chầm chậm trôi qua mỗi ngày trong suốt ba tháng đầu tiên xa nhà.

Lần đầu tiên chúng tôi được cầm số tiền lớn trong tay sau ngày lĩnh lương của tháng thứ nhất. Tôi dặn Linh về nhà nấu cơm trước nhưng không nói rõ là vì lí do gì. Tôi muốn mua một chiếc túi xách ở trong shop gần trường học để tặng cho Linh mà chị ấy nói là rất thích từ đầu năm học nhưng không có đủ khả năng để sở hữu nó. Chiếc túi màu sữa, có thể vừa đi học vừa đi làm, có thể đeo sau lưng như ba lô mà cũng có thể đeo vắt chéo ngang người trông rất nữ tính. Bản thân tôi cũng rất thích thú khi nhìn thấy chiếc túi này. Nhưng với số tiền đi làm thêm của tháng đầu tiên, tôi không thể sở hữu hai chiếc túi cùng một lúc được. Tôi muốn tặng cho Linh trước, dù sao nó cũng là chị gái vô cùng"điệu"và"đỏm dáng"của tôi mà.

Tôi trở về phòng trọ, một chiếc túi xách màu sữa y chang như chiếc túi tôi vừa mua đang nằm ngay ngắn trên giá sách. Linh đang nấu ăn thấy tôi về, liền cười hớn hở:

- Thích chiếc túi kia không?

- Không thích. - Tôi vừa nói vừa cố gắng nhét chiếc túi xách màu sữa mới mua vào cái ba lô cũ đang đeo ở sau lưng của mình.

- Ôi trời. Phí của. Thế mà tao tưởng mày thích nên dùng hai phần ba số lương của mình để mua tặng mày đấy. Lãng phí quá.

- Thế chị không thích à? - Sau khi kéo được chiếc khóa ba lô, tôi đứng thẳng lưng bước vào nhà, ánh mắt vẫn trộm nhìn về phía chiếc túi xách đang nằm ở giường mà cổ họng nghẹn ứ.

- Thích chứ! Đồ hiệu mà bảo không thích thì có mà là con hâm. Nhưng tại là tháng lương đầu tiên, với lại không muốn bị mày thù ghét từ vụ ngày xưa nữa nên nịnh đầm mày thôi.

Tôi vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng. Vừa tiến tới chỗ Linh đang nấu ăn, nhón một miếng trứng bỏ vào miệng nhai ngon lành:

- Vậy em nhận chiếc túi chị mua nhé!

- Gớm. Nhận đi. Tao không biết dùng ngôn ngữ văn hoa nên tặng thẳng mặt mày đấy nhá. Xí xóa hận thù xưa.

- Thù gì nữa. Em quên hết từ cái lúc hai đứa chết rét giữa trời đông đang mưa phùn mà vẫn phải hì hục lau dọn nhà vệ sinh rồi. À nhưng mà túi xách của chị cũng bị rách và cũ rồi mà.

- Tháng sau tính tiếp.

Linh cười hì hì rồi quay đi. Tôi cũng chẳng biết Linh đang nghĩ gì. Nhân lúc Linh đang giặt quần áo trong phòng tắm, tôi hì hục ngồi vẽ hoa vẽ lá lên tờ giấy trắng kèm câu nhắn nhủ rồi đặt lên chiếc túi màu sữa mà mình mới mua:"Tặng chị Diệu Linh - chị xinh lung linh - và xin đừng nghĩ linh tinh gì nữa".

Ngày hôm sau, chúng tôi như cặp chị em sinh đôi cùng xuất hiện ở trường học và chỗ làm thêm. Và có một điều tôi muốn nhấn mạnh là, cô gái có tên Diệu Linh xinh hơn cô nàng Di Đan một chút xíu thôi nhé!

Tết năm đấy, chúng tôi đều không về quê vì không mua được vé tàu. Cả hai thay phiên nhau ngồi ngoài ga Sài Gòn từ năm giờ sáng cho đến chiều muộn, hôm nào đến số thứ tự thì hết vé, hôm nào còn vé thì bác bảo vệ nói khách đông quá rồi nên không thể in thêm phiếu chờ được nữa. Không chỉ riêng chúng tôi, mà còn nhiều bạn sinh viên khác nữa. Có khi tôi còn làm quen được cả vài bạn thân thân từ những lần ra ga ngồi chung ghế. Có đứa bảo, nó đi từ canh ba, ra đây nằm ngủ tiếp, lát lấy số thứ tự sớm, thế mà vẫn tay trắng, mấy ngày cuối mua được cái vé ghế phụ. Chúng tôi ngao ngán cũng chẳng muốn đi mua vé ở cổng ga vì số chứng minh nhân dân sai, tiền hoa hồng chi thêm có khi bằng nửa giá trị cái vé giấy. Và đó là năm đầu tiên chúng tôi đón Tết xa nhà, xa quê hương; đón Tết không người thân giữa thành phố Sài Gòn gắt nắng cùng căn phòng trọ mười sáu mét vuông.  

Linh bảo không mua nhiều đồ, có tủ lạnh đâu mà chứa, để qua ngày sẽ hư, bỏ đi uổng mất. Tôi nghe Linh nói giọng có vẻ khang khác, dùng nhiều từ ngữ của người Sài Gòn hơn. Thấy cũng hay hay, và tôi học, học ở bạn bè, ở chỗ làm thêm. Giữa"hư"và"hỏng", giữa"bể"và"vỡ", ... . Lắm khi, khách bảo tôi lấy thêm"tẩy", tôi lại mang thỏi"gôm", hay"cái muỗng"với"cái thìa"... mọi từ ngữ đá lẫn lộn trong đầu tôi. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao một vài thành viên trong lớp muốn thay đổi mình, làm mới mình, tôi buộc phải học cách thích nghi ở một môi trường mới với những con người mới. Đó không hẳn được đánh giá là đua đòi, mà là sự thích nghi để tồn tại.

Những ngày giáp Tết, đường Sài Gòn vẫn nắng, cũng có vài chợ hoa, chợ quất, đào hoặc mai trưng bán ở vỉa hè, nhưng không ồn ã như dưới quê tôi. Nếu là quê, chắc chắn tôi đang ngồi lau lá chuối, lá dong; còn bố lấy lá dừa làm khuôn bánh chưng, hay như con mèo ăn vụng đỗ xanh mẹ mới nấu thơm lừng. Nếu là quê, chắc chắn tôi đang vi vu đi chợ sắm đồ với quần áo, giày dép mới cùng bạn bè, hay thở dài đùa nghịch với những làn khói bay bay trước mặt, lạnh co người nhưng nụ cười vẫn luôn thường trực dưới cái rét hơn mười độ của ông già mùa đông. Ba tháng ở Sài Gòn, tôi nhớ mùa đông ngoài ấy. Nhớ cái lạnh, nhớ những sáng sương mù, nhớ những cơn mưa phùn dai dẳng, .... Nhớ lắm!

Ngày ba mươi Tết của đời sinh viên năm đầu tiên,

Linh gọi tôi dậy nói cố sức mà làm, sẽ có ba ngày được nghỉ tha hồ mà ngủ bù và tối đi dạo chơi cho biết cái không khí Tết nơi thành phố phồn hoa đô thị này là như thế nào mà người ta đồn thỏi là"hòn ngọc của biển Đông". Vả lại gần hai mươi năm đón Tết quê, giờ thay đổi chút, có gì mà lạ. Tôi cười méo mó, đúng là ba tháng qua, tôi đã đi làm cùng Linh không ngừng nghỉ. Và bây giờ sắp là lúc tôi gục ngã vì kiệt sức.Tôi gọi điện thoại về nhà hôm hai tám Tết, bố bảo mùa đông năm nay rét đậm, còn nhà cửa thì vừa nợp lại ngói mới, mấy vách tường đều sơn quét lại cả; mẹ bảo Tết vắng tôi sẽ buồn, mùng hai Tết chị Di Vân và anh rể mới qua. Tôi bảo, tôi nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Tôi nghe tiếng khóc nghèn nghẹn của mẹ ở đầu dây bên kia.

Đường Nguyễn Huệ ngập tràn hoa, ngập tràn người lẫn xe cộ, và đương nhiên ngập đủ thứ mùi thơm khiến tôi nôn nao ở cổ họng. Mỗi giây phút trôi đi, giao thừa như gần hơn, niềm vui mừng năm mới thêm rộn rã trong lòng mỗi người dân hơn, khách ra vào lườm nượp, tôi cũng chạy lên chạy xuống muốn cuồng cả chân cùng những khay đựng thức ăn, nước uống. Ai cũng cố gắng tìm một chỗ ngồi lí tưởng để ngắm nhìn màn pháo hoa đẹp nhất trong năm chuẩn bị bắt đầu.

00h, người người hò hét xem bắn pháo hoa nổ đùng đoàng. Tôi và Linh cũng nheo mắt nhìn theo, pháo hoa thành phố có khác, đẹp và thời gian diễn ra lâu hơn ở dưới quê gấp cả trăm lần. Tôi còn nghe mọi người bảo sẽ quay buổi bắn pháo hoa này lên truyền hình. Linh cười trêu:"Tìm cái máy quay xem nó đang ở góc nào, nhòm cái mặt vào biết đâu bố mẹ mình sẽ trông thấy trên tivi, hẳn là mừng lắm". Có người đứng cạnh tôi gọi điện thoại về gia đình, hét to trong đám người ồn ã đang xô đẩy nhau:"Đấy! Bố mẹ nghe thấy tiếng pháo hoa nổ không? Con chúc mừng năm

mới cả nhà nhé!". Tôi và Linh đưa mắt nhìn nhau, im lặng, đôi môi trắng rã vì mệt mỏi nhưng vẫn cười rộng toác, ngầm hiểu ý nhau:"Tao cũng chúc mừng năm mới mày nhé! Mà giờ kể ra có cái điện thoại để gọi về quê thì thích nhỉ?".

Chúng tôi cùng nắm chặt tay nhau, hướng mắt về phía bắn pháo hoa lung linh sắc màu và nhiều hình dạng đấy.

Chúc mừng năm mới nhé!

Chúc mừng cái Tết đầu tiên của những cô tân sinh viên đón Tết xa nhà!
Chương 7: Tết không cần mặc áo ấm, đắp chăn bông
Nếu ai đã từng đón Tết ở Sài Gòn, thì hẳn các bạn sẽ đều có ý nghĩ giống như tôi: không khí ngày Tết vắng tanh và nắng gắt vào ban ngày, đêm về người đổ ra đường ùn ùn không nhích nổi xe. Và giải pháp tốt nhất, có lẽ là nên đi bộ.

Tôi và Linh ngáp ngắn, than dài. Hết ngủ dậy, rồi lại nấu ăn, hai đứa vật vờ nhìn nhau trông đến thảm hại. Chúng tôi trọc ghẹo nhau, hát hò vài ba bài con nít, mà cũng vẫn không thể vui vẻ, cười đùa. Linh ngồi kể lể chuyện từ ngày xửa ngày xưa, từ cái Tết ấm cúng mỗi năm ở nhà, khiến tôi ôm nó khóc thút thít. Linh cũng giả bộ òa lên khóc ăn vạ, mếu máo, khiến tôi không thể nhịn được cười.

- Lẽ ra giờ này, tao đang ăn thịt gà.

- Em cũng thế, đang nhâm nhi cái đùi gà.

- Thôi tao xin mày. Đừng có nói nữa, càng nhắc thịt gà càng muốn ngứa chân răng quá đi. Dậy đi nấu mì tôm Hảo Hảo kia kìa.

Và tôi tức tưởi đứng dậy, bật bếp, nấu mì. Còn Linh ngồi nhặt mớ rau cải đã hơi héo vàng mua từ trước Tết để ăn dần mấy ngày Sài Gòn không họp chợ.

Nói mỏi miệng từ chuyện ở quê, cho đến trường học, mà một ngày ở Sài Gòn vẫn dài lê thê, hai đứa bèn đem các nhân viên cùng làm, anh quản lý, cô chủ nhà..., kể cả là hai bác bảo vệ, mang ra mổ xẻ, nói xấu lẫn nhau. Đó là một môi trường làm việc không bao giờ hết chuyện để chúng tôi cùng đem ra bàn tán. Thấy mình cũng thật xấu bụng biết bao nhiêu.

Chao ôi, đó là ngày nghỉ Tết Sài Gòn của những cô tân sinh viên, vừa nghèo, vừa gặp những hoàn cảnh éo le.

Ba ngày nghỉ Tết, hai chúng tôi đều có chàng trai cho riêng mình và rồi họ là mối tình đầu của mỗi đứa.

Chúng tôi xảy ra va chạm trong buổi tối đêm mùng một. Họ phóng xe ẩu, và tông thẳng vào chiếc xe đạp cũ của chúng tôi không ngần ngại. Linh ngồi trước nên trầy xước hết chân tay, xe đạp thì méo mó vành. Tôi thì còn đủ sức để cãi nhau và đòi bồi thường thiệt hại với hai tên người thành phố đó. Nói qua nói lại một hồi thì hai tên này cũng tốt bụng, một người đưa Linh về bằng chiếc xe đẹp không chê vào đâu được, người còn lại đèo tôi trên chiếc xa đạp cũ kĩ và khó đi.

Sài Gòn lộng gió khi trời về khuya, ánh đèn đường nhờ nhờ vàng hắt xuống khiến đầu óc tôi mơ mộng và nghĩ vớ vẩn. Hắn làm tôi nhớ đến một người bạn ở quê, hay đưa tôi đi học vào mỗi buổi sớm bằng xe đạp những năm cấp ba. Nhưng giờ, bạn ấy học ngoài Hà Nội, biết đâu cũng đang đưa một bạn gái xinh xinh nào đó và vi vu với nhau rồi cũng nên. Tôi ngồi sau cười khúc khích rồi hậm hực một mình. Hắn hỏi tôi có bị hâm không? Tôi cáu, chỉ hắn đi đường vòng, dài gần gấp đôi với đường chính. Hắn vừa đi, vừa thở hồng hộc. Và mỗi lần lên cầu, đều gồng người lên đạp xe, còn tôi cười khoái trí đằng sau và nhất định không chịu xuống xe để cùng dắt bộ. Hắn nói, mùng một Tết mà hắn xui quá chừng. Tôi cười, tôi xui cũng đâu có kém gì hắn.

Hắn tự giới thiệu mình tên Nam, người Hà Nội, vào Sài Gòn đang học công nghệ thông tin. Người kia là Hải, anh trai con bác gốc Sài Gòn. Hắn kể là không thích về quê ăn Tết với gia đình, muốn thử cảm giác Tết Sài Gòn như thế nào. Tôi hỏi hắn cảm giác làm sao, hắn quay lại nhìn tôi, nâng cặp kính cận lên, rồi cười ngã ngửa, lộ ra cái răng khểnh đẹp mê người:

- Từ sáng đến giờ, nắng đổ lửa. Ngủ đến trưa mới dậy, chiều ở nhà xem phim, nắng quá không đi đâu được. Tối đến, người người đổ ra đường, tui cũng vi vu theo anh Hải đi, đi chưa được đâu thì gánh phải cái của nợ này nè, mệt đứt hơi, chắc lại về nhà thôi, sức đâu mà đi nữa. - Hắn nói một hơi rồi lại gồng người lên đạp xe, thở vội.

- Hơ hơ . - Tôi cười nhạt. - Cậu tưởng mình cậu xui chắc .

- Thế cũng chưa đi được đâu à. Tội nghiệp nhỉ. Nhưng ít nhất, cậu ngồi sau cũng còn khỏe chán, nói đạp chung cho lãng mạn mà còn không chịu. Hì. Mà bộ nhà ở đâu mà xa lắc xa lơ dữ vậy trời. Đi xe đạp như rùa bò thế này thì đến sáng mai mới tới mất thôi .

Tôi trề môi, chẳng thèm trả lời lại. Tôi ngồi sau, hát vu vơ với gió, với trăng. Tôi hát bài teen, bài vọng cổ, bài nhạc đỏ, nhạc vàng, hát tràng giang đại hải, mỗi bài vài câu vì tôi chẳng thuộc bài nào hoàn chỉnh cả. Hắn hỏi tôi có bị sốt không? Tôi cáu, hoạnh họe lại rằng hắn quay lại đường cũ để mua thuốc giảm sốt cho tôi. Hắn hét toáng lên:"Tui xin . Tui thà chết còn hơn". Tôi ôm bụng cười vì thấy tính tình hắn cũng khá là dễ thương.

Về đến nhà, tôi tròn mắt khi thấy người đàn ông tên Hải đang rửa chân bằng nước muối cho Linh, rồi cười đểu nhìn vẻ xuýt xoa của bà chị. Tính Linh xưa nay thì tôi chẳng còn lạ gì, ăn vạ khéo và đóng kịch với đám con trai như người diễn kịch. Nam thở hổn hển, rồi cũng đưa mắt nhìn anh trai của hắn, quay sang tôi hỏi:

- Thế có bị thương ở đâu không? Tớ rửa chân cho bạn ha? Hay là mình cùng đi mua thuốc giảm sốt nhỉ. Haha.

- Điên à. - Tôi vênh mặt, thét vào tai hắn.

Hải quay người lại, cau có:

- Bò ra đường hay sao mà lâu thế thằng kia?

- Tại con bé này nó nặng, lại đi xe đạp nữa. Mệt.

Tôi nhìn Nam, hóa ra tôi là"con bé"trong suy nghĩ của hắn. Tôi nguýt dài. Chẳng chần chừ, như hiểu ngay cái nguýt cháy xém lông mày của tôi, Nam cúi đầu thì thầm nhỏ nhẹ:"Thấp hơn cả cái đầu chứ ít à?". Tiếng thở đều đều của hắn như làn gió xuân thổi nhẹ, giọng trai Hà Nội bỗng nghe là lạ, tôi tưởng hắn bỏ bùa mê, hay đang nhỏ từng giọt sữa trắng ngọt ngào ngay bên tai mình. Tôi ngây ra, cả mấy giây sau.

Tối hôm đó, thay vì đi chơi, Nam đi mua ít bia, đồ ăn và hoa quả. Hắn cao giọng, bảo:"Nhậu ở đây". Tôi đuổi khéo về, Hải cười:"Coi như tụi anh bồi thường thiệt hại, vả lại chẳng ai đi chơi xuân được mà". Linh nhìn Hải, Hải cười gật đầu một cái ngỏ ý được không; rồi Linh cũng cười tươi tỏ vẻ đồng ý. Buổi tối hôm đó, hơn mười một giờ mới tàn cuộc nhậu chẳng đầu chẳng cuối. Thật lòng, tôi cũng thấy vui vui, cho dù họ là những chàng trai xa lạ đi chăng nữa. Nhưng ít ra, tôi và cả Linh cũng đỡ tủi thân đón Tết một mình giữa thành phố chỉ nắng với bụi khói xe. Tôi để ý thấy Hải nhìn Linh mãi, thỉnh thoảng quay sang trái thì lại bắt gặp ánh mắt của Nam. Ôi, hai anh em nhà này ???!!!

Nếu như Tết ngoài Bắc cần phải khăn len, áo dày để giữ nhiệt cho cơ thể, thì Tết trong Nam chỉ cần bận một bộ đồ mỏng tang cũng thấy nóng phừng phừng trong người, và nhất là hai bên bầu má. Đón Tết Sài Gòn chẳng cần mặc áo ấm hay đắp trong bông, mà trong lòng cũng thấy như được đốt lửa và sưởi ấm. Mỗi nét mặt, mỗi nụ cười của những người xa lạ dành cho mình cũng như được thổi yêu thương để sưởi ấm linh hồn của kẻ vốn dĩ vẫn nghĩ rằng, mình đang rất cô đơn.

Bây giờ, mỗi lần nhớ lại buổi tối mùng một Tết năm đó. Tôi đều nửa khóc nửa cười. Và đó cũng chính là ngày Valentine thú vị.
Chương 8: Cuộc sống mới
Nửa tháng nghỉ Tết, Hải đến đón Linh đi chơi buổi tối gần như từng đấy ngày. Linh cũng nghỉ việc ở chỗ làm luôn. Thấy Linh khoe, nghỉ Tết xong, Hải sẽ tìm giúp một công việc mới, nhàn hơn, lương lại cao hơn. Tôi dò xét:"Hai người hẹn hò à?". Linh cười cười, đầy bí ẩn:"Gần như thế!"

Tôi ở nhà chẳng có việc gì làm, hết mang những đoạn ruy băng ra gấp hoa , gấp sao, rồi lại tranh thủ ra quán net online, ba giờ chiều thì bắt đầu công việc ở nhà hàng hoặc làm thêm một vài buổi ở tiệc cưới. Nam bảo, hắn không có xe nếu không cũng đưa tôi đi chơi rồi. Tôi làm cao:"Cậu tưởng cứ đến đón là tôi sẽ gật đầu đi chắc?". Nam lại cười, tôi cá là nụ cười này đã giết chết khối người đây, ít ra thì các bạn nữ cũng phải liêu xiêu, có phần điêu đứng một thời gian dài. Nhưng trong suy nghĩ của mình, tôi cũng mong muốn được Nam đưa tôi đi chơi nhiều lắm. Chẳng cần phải đi chơi xa hay vào những tụ điểm ăn chơi ở Sài Gòn, cùng nhau đi dạo lúc bình minh đón ngày mới , hoặc những buổi chiều tắt nắng, gió lay, là tôi cũng vui và bớt cô đơn rồi. Nhưng hình như, Nam có vẻ làm biếng với việc đi bộ hoặc dạo phố trên vỉa hè thì phải?

Tự thấy mình ghen tỵ với Diệu Linh quá.

Hải mua cho Linh điện thoại đẹp coi như quà mừng tuổi Tết đến. Tôi tự đi mua cái nokia cũ hết bốn trăm ngàn, chỉ để nhắn tin với gọi. Tôi bảo Linh:"Chắc em phải dồn tiền mua cho mẹ một cái, gọi về đỡ phiền hàng xóm". Linh gật đầu, cũng tính toán như tôi.

Đến giữa tháng ba, bên khoa Linh học chuyển về cơ sở tại quận Phú Nhuận. Linh chuyển đồ đạc sang phòng trọ mới vì ở quận Thủ Đức thì xa quá, lại không thể đi xe buýt được. Tôi cũng giúp Linh dọn đồ, dặn nếu nó rảnh thì qua phòng cũ chơi. Phòng trọ mới của Linh đầy đủ đồ dùng, lại rộng, khô ráo và sạch sẽ hơn rất nhiều. Còn chỗ trọ cũ thì chật chội, và nắng nóng, lại có phần cách xa trung tâm thành phố. Hơn nữa, mỗi lần Sài Gòn mưa lớn, nước dâng đến lưng chừng nhà, hai chị em mắt tròn, mắt dẹt nhìn nhau mà mếu máo.

Tôi thấy vui cho Linh, nhưng trong lòng cũng thấy lo ngai ngái . Dù sao, chúng tôi vẫn là con gái ở quê, mới chân ướt chân ráo lên thành phố cơ mà. Nhớ lời mẹ dặn mà lòng tôi rấm rát như lửa thiêu:"Đừng có ham chơi, ham vui mà hỏng đời con gái. Tụi con trai thành phố nó xấu lắm, phải đàng hoàng, đứng đắn đừng để nó lợi dụng . Nghe chưa?". Tôi thấy Hải còn sắm cả tủ lạnh, tivi trong phòng. Linh bảo:"Hắn tốt bụng, kệ hắn". Tôi hỏi Nam, Nam cười nửa miệng:"Nhà anh Hải ở Sài Gòn đại gia lắm, đất rộng đến mức mà cò bay mỏi cánh cũng chẳng hết đâu, mua sắm từng này thì có thấm tháp gì. Vả lại, ổng sắm cho người yêu ổng chứ có vứt cho thiên hạ đâu nên có gì mà lạ. Tui có tiền, không khéo tui còn chiều chuộng người yêu tui hơn ổng ý chứ bộ."

Gần chỗ Linh trọ là trường học viện hàng không mà năm trước cả hai đứa cùng hứa lên hứa xuống là phải thi vào trường này cho bằng được. Mỗi lần đi qua học viện, tôi lại cười thầm trong bụng. Đúng là thứ tôi thích và tôi cần hoàn toàn trái ngược nhau. Tôi thích được bay cao, nhưng cái tôi cần trước tiên là phải đứng vững. Tôi thích được đi máy bay, nhưng cái tôi cần là cuộc sống bình yên và mức thu nhập hàng tháng phải thực sự ổn định. Tôi thích được mặc áo dài và hướng dẫn, phục vụ đoàn khách nước ngoài trên những chuyến bay, nhưng sau này tôi mới nghiệm ra rằng, tôi cần phải là vị khách có tiền và có nhu cầu được phục vụ, được thỏa mãn...

Thế đấy, tôi cũng chỉ là một đứa trẻ ngốc nghếch và tỏ ra cực kì thích thú với những điều mà mình cho là lạ và hiếm có. Như ngày ở quê, những chiếc xe tay ga tôi được nhìn thấy chỉ đếm trên đầu ngón tay, những chiếc ô tô đẹp tôi lại càng không bao giờ được tận mắt chứng kiến ngoài xem trên tivi hoặc nghe báo đài giới thiệu về giá cả cao lên tận trên trời của nó. Đến khi sống ở Sài Gòn, ánh mắt tôi lại xục xạo đi tìm một chiếc xe cũ và han gỉ như chiếc xe của bố vẫn thường đi giữa hàng trăm hàng nghìn chiếc xe tay ga với kiểu dáng và màu sắc đa dạng. Cảm giác bực bội lại xâm chiếm lấy người tôi khi những chiếc xe ô tô đẹp, bóng nhoáng kia đang gây ra cảnh ùn tắc giao thông giữa lòng đường.

Với chính bản thân, tôi luôn là một ẩn số và chẳng thể tự lí giải hay hiểu nổi mình cần gì ở thời điểm này, muốn gì ở thời điểm kia. Vậy mà lúc nào tôi cũng tự tin rằng: tôi đi guốc trong bụng của đối phương, ví dụ như Diệu Linh chẳng hạn.

Khoảng một thời gian không lâu sau đó, thỉnh thoảng ghé phòng trọ của Linh chơi, tôi có nghe hàng xóm rỉ tai nhau nói, có hôm Hải ngủ qua đêm ở đó, hai người sống với nhau như vợ như chồng, chỉ thiếu mỗi tờ giấy kết hôn thôi.

Dãy trọ của Linh thuê ở có khoảng chục phòng, hầu như phòng nào cũng có những cặp"vợ chồng"trẻ, xoong nồi vứt tứ tung, quần áo phơi giăng hàng dài ngoài dây, lổm ngổm đủ màu. Thỉnh thoảng, tôi nghe tiếng cãi nhau inh tai ở phòng bên cùng tiếng của bát đĩa vỡ nháo nhào. Có phòng lại ôm nhau cười ha hả khi bắt chân, bắt tay, ôm vai bá cổ nhau cùng xem chung một bộ phim trên laptop. Có phòng lại gào ầm lên:"Tôi rửa bát, anh quét nhà, phân chia rõ việc thế rồi mà còn ganh tỵ nữa là sao?". Có phòng thì đóng kín cửa khi đang giữa buổi trưa Sài Gòn nóng đến bốn mươi độ, phát ra mấy tiếng kêu kì cục như chuột rúc vào bao thóc, chí chóe.

Linh cười mỉm:

- Sao lại ví von như tiếng chuột kêu hả trời? Phải nói chính xác là tiếng rên êm ái, tiếng nói mệt nhoài, khe khẽ. Biết không? Tụi nó đang tập làm người lớn đấy. Cũng sắp hai mươi rồi chứ ít gì?  

- Tiếng kêu thấp hèn thì có.

Tôi sẵng giọng. Bởi với tôi, tình dục lúc đó là một thứ rất mơ hồ, một cảm giác không an toàn, có phần bẩn thỉu và lem luốc.

- Thế mày nghĩ tụi nó đều là những con người rơi xuống hố sâu thấp hèn của vũng bùn lầy đen chắc? Có khi chúng nó thi vào đại học, điểm ba môn còn cao hơn tao với mày đó. Đừng có mà ăn nói hồ đồ.

Linh nhìn xoáy vào mắt tôi, rất lâu. Linh kể cho tôi nghe về lần quan hệ đầu tiên của mình và sự thay đổi trong cách cư xử của anh Hải như thế nào. Tôi hỏi:

- Thế chị có hối hận không?

- Không. Sớm muộn gì thì người con gái nào cũng có một lần đầu tiên như thế trong đời. Vả lại, anh ấy là người đàn ông đầu tiên cho tao biết cảm giác thế nào là yêu thương hay nhung nhớ. Suy nghĩ thiệt hơn chỉ là do mình ích kỉ và không yêu người ta nhiều mà thôi.

Một lần trong buổi sinh hoạt Đoàn, chúng tôi có được làm một vài câu hỏi trắc nghiệm về vấn đề quan hệ tình dục đang ở độ tuổi sinh viên. Đến 70% các bạn sinh viên năm nhất cho rằng:"Chuyện ấy xảy ra ở độ tuổi trên mười tám thì cũng không có gì là quá sớm cả". Nếu là học sinh thời phổ thông, chỉ cần một vài lời ra tán vào của đám học sinh là bạn A thích bạn B, bạn C thích bạn A thì chắc chắn giáo viên chủ nhiệm sẽ tìm gặp bằng được ba người A,B,C để giáo dục về nhân cách, nhân phẩm, giới tính hay nhận thức... Đại loại như là, việc của chúng tôi là học, tuổi của chúng tôi là ăn hay ngủ..., ở đó không hề được phép tồn tại một vài khái niệm cơ bản như: thế nào là sự rung động đầu đời hay những biểu hiện dễ nhận biết về sự thay đổi trong thể chất ở lứa tuổi dạy thì...

Tôi là một cô gái gần bước sang tuổi hai mươi, tuy bản thân có tò mò về chuyện đó... nhưng trong suy nghĩ của mình, tôi chưa thực sự sẵn sàng. Với tôi, nó giống như một trò chơi vậy, dẫu cả hai cá thể riêng biệt có hòa vào nhau trong những đê mê tưởng chừng như quên hết thế giới xung quanh đang diễn ra chỉ trong vòng vài phút, nhưng tại sao người thì say sưa thích thú, còn người kia thì lại đau đớn và nước mắt như muốn vỡ ra.

Có thể bản thân tôi là người ích kỉ, toan tính được gì hay mất gì sau lần đầu tiên của người con gái, nhưng về cơ bản, tôi vẫn chưa yêu ai nhiều hơn chính bản thân mình. Người ta vẫn thường bảo, nắm tay càng chặt thì cát ở lòng bàn tay còn lại sẽ càng ít. Vì thế, tôi không dám tự mình bước vào một trò chơi giống như thứ ảo giác và càng không sẵn sàng khi biết chắc chắn phần thắng sẽ nằm trong tay của đối phương. Không ai đảm bảo với tôi rằng, sau lần đầu tiên đó, người con trai sẽ yêu tâm hồn tôi nhiều hơn cơ thể của mình khi không còn một mảnh áo quần che thân. Không ai có thể đoán biết tương lai rằng sau lần đầu tiên đó, cả hai sẽ thực hiện lời hứa rằng chỉ có nắm tay nhau hay những nụ hôn vụng dại trong các buổi hẹn hò như thuở ngày đầu trong sáng...

Chẳng ai dám cá cược với tôi điều này, kể cả Diệu Linh.

- Thế nhỡ bố mẹ vào thăm thì sao? - Tôi hỏi.

- Thì chạy . - Linh vừa mở tủ lạnh, vừa lấy hoa quả gọt cho tôi ăn.

- Chạy kiểu gì?

- Sống thử đi thì biết.

Và tôi bắt đầu biết đến khái niệm:"Sống thử"từ đó.

Có điện thoại, tôi nhắn tin với Nam nhiều hơn. Lúc đầu thì hỏi về chuyện anh Hải và Linh, rồi dần dần nói toàn những chuyện không đâu cả ngày trời. Mới sáng ra, đã có tin nhắn của Nam:"Chúc Đan ngày mới vui vẻ!". Trong giờ học cũng thủ thỉ:"Đang học môn này này nè, buồn ngủ quá à". Trưa đến:"Đan ăn cơm chưa, đang làm gì thế. Nam nóng quá à, hôm nay học cả ngày nè ,..."hay hâm hâm nên thì hỏi:"Nhớ Đan quá à, Đan nhớ Nam không?". Buổi chiều đang làm việc ở nhà hàng:"Hôm nay đông khách không Đan? Làm từ từ không mệt nhé. Thương Đan nhiều nhiều". Nửa đêm mới đi làm về mệt lử đử và vừa tắm xong:"Đan tắm rồi ngủ đi nhé, muhzz muhzz, thương thương ...". Nhưng nếu không có những tin nhắn như thế, tôi lại thấy nhớ nhớ, trong lòng khó chịu và có cảm giác ngóng trông đợi chờ.

Với tôi bấy giờ, Nam là một chàng trai vô cùng dễ thương.
...................................................
Đọc truyện teen hay nhất tại yeutruyen365.wap.sh
...................................................
Chương 9: Đỏm dáng là dấu hiệu ban đầu của người biết yêu
Hè năm thứ nhất, tôi và Linh cũng không về quê. Linh năn nỉ nhờ tôi giúp một việc rằng, nếu bố Linh có hỏi thì bảo đi làm thêm với tôi. Tôi cũng thay Linh nói dối. Mẹ tôi dặn dò:

- Làm gì thì làm, phải giữ mình nghe chưa?

- Con đi làm gia sư, lương ổn định, ngày có hai tiếng thôi mẹ à. Mẹ đừng có lo. Ông bà chủ của con tốt lắm. Hôm nào bận học, có thể nghỉ và cho dạy bù vào ngày hôm sau mà.

Tôi cũng nói dối để mẹ yên tâm. Vì nếu nói tôi làm phục vụ ở nhà hàng ăn, thì chắc chắn mẹ lại tưởng tượng đến những cô gái qua các bộ phim truyền hình Đài Loan, Trung Quốc, với bộ đồng phục: mặc váy siêu ngắn, đi giày siêu cao, và khuôn mặt được tô vẽ cũng siêu kĩ càng. Điều đó chỉ khiến mẹ thêm lo lắng hơn, mà sự thật thì nhà hàng tôi đang làm thêm không phải như thế. Ngược lại, môi trường làm việc rất sang trọng, rất sáng sủa, và hết sức lịch sự.

- Mẹ chẳng biết tụi bây sống, ăn ở và học hành ra làm sao. Kể mà trường con học, nó gần nhà thì bố mẹ còn lên thăm, mang gạo, mang ngô, mang khoai cho con như mấy người gần nhà mình. Con làm mẹ đâm lo. Xem mấy vụ án án trên tivi mà mẹ sợ quá. Con đi làm, thấy có gì bất thường từ đầu là phải nghỉ ngay, con à. Con đi làm thì mẹ cũng không cấm, nhưng đừng có để ảnh hưởng việc học nghe không? Có chuyện gì thì cũng phải điện thoại về nhé. Bố mày đi đâu cũng khoe cái Di Đan nhà này thế nọ thế kia. Cho nên ráng giữ thân mà học hành tử tế, con à.

- Con biết rồi mà mẹ. Con đi làm, gom tiền rồi con mua một cái di động tặng mẹ. Chứ mỗi lần gọi về nhà bác hàng xóm, con thấy cứ thế nào. Con thấy bác ấy tỏ vẻ khó chịu lắm.

- Thôi thôi, suốt ngày xắn gấu quần lên bì bõm ở đồng ruộng. Mẹ dùng di động làm gì. Có tiền thì cứ để mà ăn cho khỏe, con à.

Tôi nghe thấy tiếng bác hàng xóm kêu lên:"Nhanh nhanh bà ơi, tôi cũng đang chờ điện thoại của thằng con đây này. Nói gì mà lâu thế". Mẹ tôi rối rít:"Dạ dạ, xong ngay đây bác". Mẹ tôi luống cuống nói vài từ rồi vội cúp máy, khiến tôi cũng chẳng rõ nữa. Tôi thấy giận bác hàng xóm, chẳng"tối lửa, tắt đèn có nhau"gì cả.

Tôi bước vào kì học hè năm thứ nhất, nhìn đứa nào ở lớp cũng già đi. Không già tự nhiên theo năm tháng thì cũng già bởi phấn bởi son. Tôi thấy khuôn mặt mình chẳng còn ngây ngô nữa. Tuy không quệt phấn trắng, tô son hồng như các bạn khác thì tôi cũng chẳng còn giống một cô gái từ quê lên thành thị học của ngày nào. Lông mày không còn mọc tứ lung tung, tôi đã tự tỉa mảnh thành một đường cong, tuy nhiên thì nhìn hai bên cũng không được cân xứng cho lắm. Tôi không còn mặc quần vải, áo sơ mi trắng như bộ đồng phục đến trường thời phổ thông. Tôi diện quần jean, áo thun, cũng đủ màu xanh, đỏ. Tóc tôi thay vì dài đến hông, đen óng bởi nước bồ kết và thơm mùi hoa bưởi như ở quê thì giờ được cắt ngắn ngang vai, duỗi thẳng và buộc cao như đuôi gà. Cám giác như chính tôi cũng đang lột xác như một con cua đến ngày phải thay cái mai của nó vậy. Hiếu ngồi cạnh tôi, trâm trọc:

- Đan khác thế, yêu rồi hả?

- Sao cậu hỏi thế? Cậu cũng vậy mà, đầu tóc để dài ra, cái ngắn cái dài như trai Hàn ý nhỉ, còn nhuộm màu tây tây nữa chứ.

- Ừ! Đang yêu. Thế mới hỏi Đan, Đan yêu à?

- Làm gì có! - Tôi chối thẳng, rát rát da mặt.

- Vậy làm gì mà ửng mặt lên thế kia ? - Hiếu cười đểu.

- Ừ thì có, thích thích thôi. Chứ chưa có gì. Tôi thề đấy.

- Cái thằng bên IT chứ gì, tôi coi rồi, đẹp trai dữ. Di Đan nhà mình khéo chọn người vậy ta. Nhưng mà cảnh báo à nha, trai đẹp như nó, như tôi là đa tình lắm đó. Haha.

Tôi nhớ hồi mới vào lớp, Hiếu như ông già, nhà quê y như tôi. Hiếu còn bảo, nhìn con gái thành phố ghét lắm, mặc quần jean bó chặt người, cạp quần thì trễ hở lung tung, có ngày bắt con kiến bỏ vào, cho chừa cái thói ăn mặc thiếu vải đi. Tôi cười khoái. Thế mà chưa đầy một năm sau, ai cũng khác, ai cũng như người thành phố với cách ăn mặc hợp thời. Hiếu khác, tôi cũng khác. Hiếu kể tôi nghe, cậu ta đang để ý một cô bạn ở lớp bên, xinh gái, học giỏi, nhà giàu và cực kì kiêu căng. Cô ta thì tưởng Hiếu không thèm để ý đến mình nên cứ ngày một dấn thân lại chinh phục. Hiếu càng khoái, càng chơi trò nhử mồi cho cá ăn. Tôi bảo Hiếu mới là người kiêu. Hắn cười nghiêng ngả:"Con gái bây giờ dại lắm, ngu lắm cơ". Tôi nhíu mày nhìn sang phía hắn, cái đầu hắn vẫn lắc lư theo tiếng nhạc, khuôn mặt chữ điền nghênh nghênh nhìn lên trên bục giảng, đôi mắt nhắm hờ như kẻ say. Câu nói đó làm tôi suy nghĩ miên man mãi.

Phải nói, Hiếu là cậu bạn tốt, rất thật và cực chân thành. Có buổi sáng, hắn còn mua cả khoai luộc, bánh mì cho tôi ăn sáng chung. Hắn sẵn sàng dắt bộ chiếc xe đạp bị hỏng hóc của tôi đi sửa chữa giữa cái nắng gay gắt của trưa Sài Gòn mà chẳng phàn nàn hay kể công, đòi tôi thứ này thứ khác để bồi dưỡng. Những ngày hắn nghỉ học, tôi lại xé giấy trong tập vở để viết giấy xin phép gửi lên cho thầy cô giáo bộ môn nào khó tính và cần phải điểm danh sinh viên để cộng thêm vào cột điểm chuyên cần. Đến bài kiểm tra, tôi và hắn lại thường xuyên làm chung đề, để rồi có lần sai y chang nhau bị giáo viên phát hiện và phạt bằng cách chia đôi số điểm.

Hắn rất khó hiểu, khi thì như trẻ con, khi thì học đòi làm người lớn. Có lẽ, hắn yêu rồi chăng? Vì hắn bảo chỉ có yêu, con người ta mới chịu thay đổi để làm hài lòng đối phương mà. Tôi gãi đầu:"Mình đã thay đổi những gì mà cho là yêu nhỉ?"
Chương 10: Sinh nhật và lời tỏ tình
Sinh nhật của tôi Linh cũng quên. Khi tôi gọi điện thì Linh bảo xin lỗi, đang vi vu cùng anh Hải dưới Vũng Tàu, cuối tuần này về sẽ có"quà to". Hừm, thì cũng phải, ai bảo sinh nhật của mình rơi vào ngày cuối tháng cơ. Bạn bè cùng lớp đứa thì về quê, đứa thì đăng kí đi làm thêm, đứa không bận gì thì mình có chơi thân đâu mà mời. Hơn nữa ở lớp, tôi cũng chẳng phải là sinh viên nổi trội gì về mọi mặt. Tôi chỉ muốn sinh nhật mình có những người bạn thân như Linh để trò chuyện, thủ thỉ. Đây là Sài Gòn, chứ chẳng phải quê tôi mà bày vẽ sinh nhật ra. Thật là quá tốn kém và lãng phí. Tổ chức sinh nhật xong, chắc cả tháng cũng chẳng có mì tôm mà ăn quá. Tôi cười một mình.

Những năm sinh nhật về trước cùng đám bạn ở quê, vui vẻ, đông đúc cùng bao nhiêu người tại gốc cây cổ thụ: không cầu kì, cũng chẳng tốn kém. Mẹ tôi chỉ mua vài cân bánh kẹo để cho tụi trẻ con ở làng. Còn đám bạn đáng yêu của tôi thì hát ca vang khắp làng xóm. Nhà đứa nào có quả gì ăn được là mang ra hết, chủ yếu là bưởi còn non với ổi xanh. Có đứa còn đi ngắt hoa dại, quấn với cỏ non về làm vòng hoa để đội lên đầu. Tôi vẫn cất giữ cẩn thận ba cái vòng hoa cỏ ấy ở trong phòng học, chúng được để khô và có thứ mùi thơm rất lạ: ngai ngái của hoa dại, xen lẫn những giọt sương đêm còn đọng trên nhánh cỏ non mềm. Đó là những kí ức đẹp một thời của tôi: hồn nhiên, và trong veo.

Nam cũng chẳng nhắn tin nói gì. Tôi xoay xoay cái điện thoại, chần chừ mãi rồi cũng nhấn nhấn bàn phím hỏi thăm:

- Cuối tuần, Nam bận gì không?

- Trời ơi, bận muốn chết luôn nè. Bộ bữa nay cô nàng Di Đan rảnh hả.

Tôi bực quá, chẳng nhắn tin trả lời lại nữa.

Tôi bước vào nhà tắm, gội đầu, ủ xả thơm nhức mũi. Tôi tự thưởng cho mình một ngày sinh nhật cô đơn như thế. Sau đó, sẽ ra đầu hẻm vào mạng online, viết blog, nghe nhạc, đọc báo... . Gần một năm ở Sài Gòn, tôi gần như lột xác hẳn. Không còn là đứa con gái quê mùa phải mò mẫm cách sử dụng máy vi tính, hay ú ớ, ngượng ngịu nói chuyện với người khác bằng ngôn ngữ Tiếng Anh.

Tôi vốn là đứa rất tự tin vào mình. Nhưng Diệu Linh thì luôn ca cẩm:"Em Cám Di Đan là đứa tự phụ vô cùng, nhưng trong chuyện tình cảm thì lại là người tự ti một cách quá đáng".

Nào thì đủ thứ tin giật tít, từ trong nước cho đến ra nước ngoài: bạo loạn, thời tiết, giá cả, giao thông rồi đến đời sống sinh viên. Tất cả đều không có gì khả quan và mới mẻ hơn những ngày trước. Tôi bắt đầu thở dài.

Đang là cuối tháng tám, thời tiết ngoài Bắc bắt đầu giao mùa. Tôi tính điện thoại về nhà hỏi thăm bố mẹ, nhưng cứ nhớ đến câu nói cằn nhằn của bác hàng xóm lần trước mà tôi phát cáu. Cứ tính hết tháng này đến tháng khác, dư dả tiền làm thêm sẽ mua một cái điện thoại hẳn hoi gửi về cho mẹ, vậy mà tháng nào cũng xấp xỉ hết. Tôi còn chưa tìm được một người hợp tính hợp nết để ở chung phòng, lúc đó tiền chi tiêu hàng tháng sẽ tiết kiệm được phân nửa. Vả lại, tôi sẽ chịu khó nấu ăn ở phòng trọ hơn, vừa sạch sẽ, vừa không mắc các bệnh lây nhiễm về thực phẩm, lại vừa đỡ tốn kém. Bỗng thấy mình học ngành kế toán chẳng phải sai, mọi chi phí đều được tính toán rõ ràng."Thu nhập làm thêm không được bao nhiêu mà chi phí có khi còn ngang ngửa, có đợt hết cả tiền bố gửi vào hàng tháng ."- Tôi lẩm bẩm.

Hai mươi mốt giờ hơn, Nam gọi điện hỏi tôi đi đâu, làm gì mà sao không nghe máy. Tôi trả lời thẳng là tôi giận Nam từ lúc chiều. Nhưng khi nghe Nam nói cậu ấy đang ở cửa phòng mình, thì tôi luống cuống trả tiền nét rồi chạy vội về. Nam cười nhe hàm răng trắng bóng, cái răng khểnh lấp ló như răng nanh chìa ra trong bóng tối làm tôi phì cười.

- Này, bộ tính giận luôn hả?

- Có gì mà giận. Thế cuối tuần, không đi chơi hay sao mà vác xác ra tận ngoại ô thành phố thế này?

- Thì người ta cô đơn, biết đi với ai bây giờ. Thấy anh Hải với bà Linh không, nhìn họ mà thèm chảy cả nước miếng .- Nam nhếch nhếch cái mũi, khìn khịt. - Mà mùi gì lạ ta, thơm ngất ngây luôn à?

- Nói thật hả? Mùi tóc Đan chứ đâu . - Tôi lắc mạnh đầu sang một bên cho những lọn tóc bay lướt qua như mấy cô diễn viên quảng cáo dầu gội vẫn hay làm, rồi vênh vênh cái mặt lên phía trước, đầy kiêu hãnh.

- Thơm thiệt. Mà Đan mới đi đâu về à?

- Đi chơi chứ đi đâu..

- Đi với ai? - Nam dò xét, cái mặt nhăn nhăn rõ ghét.

- Với gió. Với mây . - Tôi trả lời bâng quơ, giận dỗi.

Nam cười. Bất ngờ, bàn tay Nam nắm chặt lấy bàn tay tôi, kéo tôi chạy theo đến phía cầu vượt của quận Thủ Đức. Nam huýt sáo dài một hơi, đưa tay chỉ về phía cuối chân cầu vượt. Tôi thấy những ngọn nến bùng bùng cháy theo hình trái tim, thấy những bông hồng đỏ thắm rải khắp xung quanh. Chân tôi cứ luống cuống chạy theo, thấy tim mình rạo rực. Vừa chạy, Nam vừa to nhỏ:"Sinh nhật dành cho Đan đấy, bận cả chiều luôn". Nam cười hết cỡ, sinh nhật tôi mà sao thấy hắn còn vui hơn cả mình. Tóc tôi cứ tung bay với gió, thỉnh thoảng chạm phải mặt Nam."Trời ơi, sao mà thơm thế, đừng có quyến rũ người khác đấy nha".- Nam lại nháy mắt.

Tôi thở hồng hộc. Tôi thề là tôi đã chạy nhanh hơn cả những lần chạy ở trường mà thầy giáo bộ môn thể dục thể chất kiểm tra vào cuối kì. Và tôi cam đoan là, lần này"thầy giáo Nam"sẽ cho tôi điểm mười đỏ chót với môn chạy nhanh không cần bấm kim đồng hồ, không bị trừ điểm vì không mặc đồng phục và quên mang giày thể thao. Tôi vẫn thấy Nam cười toe, cái răng khểnh chìa ra mà tôi vẫn gọi là"Nam thỏ", đáng yêu đến nhường nào.

- Hết giận Nam chưa?- Nam nhìn tôi.

Tôi im lặng, thấy mắt mình long lanh, mọi hình ảnh trước mặt nhạt nhòa theo, sống mũi như sực hơi cay, và ngực trái vẫn đập nhanh thình thịch, thình thịch. Tôi rất cố gắng để có thể lấy lại được sự bình tĩnh.

- Đừng giận nữa mà, Đan ả Đan ơi .- Giọng Nam năn nỉ, đến mức trẻ con.

- Ủa Đan giận Nam à? Mà giận lúc nào ta? - Giọng tôi như con nai vàng, ngơ ngác, đôi mắt cố mở to, tỏ điệu bộ như chưa hề có chuyện giận hờn, trách cứ gì ở đây khiến Nam cười phá.

- Tặng Đan đấy. Chúc Đan sinh nhật hạnh phúc . - Nam tỏ ra đàn ông hơn, hai vai so nhau, người đứng thẳng khiến tôi lúng túng.

- Nam này. Trai Hà Nội sao giống nhau thế? Lần trước Đan đọc một bài báo, có anh chàng Hà Nội vẽ trái tim, viết tên lên cát giữa cái giá, cái rét của mùa đông tặng cho người yêu nữa đấy.

- Yêu nhiều quá nên phải thế, hiểu không?

- Hả. ...?

- Nam cũng thế chứ sao! Hả cái gì cơ chứ!

Nam nhìn tôi, cười khì khì. Tôi đứng ngớ ra vài giây vì cứ tưởng .... Nhớ những cô gái được các chàng trai tỏ tình lãng mạn mà mình đọc trên báo thì thẹn thùng, đỏ mặt và hạnh phúc dâng lên đến tận đỉnh đầu. Xung quanh là cả hàng nghìn người, vỗ tay chúc phúc, hò vang. Thậm chí, tôi còn nhớ như in từng chi tiết nhỏ một trong màn cầu hôn của hai anh chị sinh viên gốc Việt tại Mỹ là Lưu Nam và Trang Janie giữa vòng của bàn bè sau màn nhảy flash mob.

Dòng xe hối hả vẫn chạy qua, thỉnh thoảng có đôi ba người ngó lại nhìn với ánh mắt dò xét, rồi lắc lắc đầu ngỏ ý như là:"trò con nít"vậy. Thoáng trong suy nghĩ, tôi vẫn tưởng Nam đùa giỡn với tình cảm của chính mình, và của cả tôi nữa.

- Đan không vui à? - Câu hỏi méo mó của Nam.

- Không. Vui lắm. Cám ơn Nam . - Tôi cười nhẹ, lấy tay gạt gạt vài sợi tóc vương trước mặt. Tuy không như những cặp đôi trên báo kia, thì tim tôi vẫn rộn rã, xốn xang. - Nam tốt bụng thật đấy, thế mà Đan tưởng sinh nhật này chẳng ai thèm ròm ngó tới mình nữa cơ. - Tôi phụng phịu nhìn những ánh nến cháy lật phật nghiêng theo hướng gió, tay vẫn nhặt những bông hồng nằm rải trên mặt đường bê tông.

- Đan có nụ cười đặc biệt lắm. Nam nghĩ là, những người yêu quý Đan có lẽ đều xuất phát từ cái nhìn đầu tiên ở nụ cười đấy mà ra.

- Thật á? Nam có quá lời không vậy.

- Không mà. Rất rạng rỡ, vẻ đầy tự tin, có cả chút hoang dại nữa. Mỗi lần Nam buồn, Nam thường nghĩ về nụ cười của Đan, thấy lòng mình thoải mái hơn rất nhiều.

- Đừng có nói dối nữa đi.

- Đồ ngốc. Nam nói thật. Nụ cười ấy đã làm hại Nam khổ sở một thời gian rồi đây này.

Tôi vui trong lòng.Tôi sẽ không giấu giếm nụ cười của mình đi đâu cả nếu nó thực sự có một sức mạnh lớn như cậu ấy nói. Nếu nụ cười đó thực sự rất đặc biệt, thì tôi không chỉ nên dành tặng cho một người đặc biệt, mà phải dành tặng cho tất cả những ai xung quanh. Tôi yêu mến họ, và mong muốn họ quý mến, luôn ở bên tôi.

Lần đầu tiên, sinh nhật của tôi chỉ có một người đến dự. Lần đầu tiên, tôi được sở hữu một chiếc bánh kem. Lần đầu tiên này, khác với tất cả những năm đã qua. Nhưng dù là lần nào đi chăng nữa, nụ cười tôi cũng đều hòa chung với nước mắt, vì hạnh phúc cả.

Nam hít hít cái mũi rồi đánh lảng sang chuyện khác. - Trời ơi, thơm quá vậy.

- Thật hả?

- Thật mà. Đừng bỏ bùa mê Nam nha.

Tôi và Nam nhìn nhau, cùng cười. Ánh mắt ấy, tôi hiểu Nam muốn nói gì.
.:TRANG CHỦ:.
Copyright © 2013 YeuTruyen
1
truyen teen wap hay