wap doc truyen teen

Chương 11: Sự dại dột ngu ngốc
Và chúng tôi đã say đến nỗi chẳng còn biết gì nữa trong căn phòng trọ chật hẹp rộng khoảng mười sáu mét vuông. Chỉ biết rằng sáng hôm sau, chẳng ai còn mặc gì trên người cả, và tôi nằm gọn lỏn trong vòng tay ôm của Nam. Khi đó đã gần mười một giờ trưa. Đầu tôi đau ê ẩm.

Hoảng hốt với tất cả những gì xung quanh. Những loong bia Sài Gòn bị bóp méo, nằm lăn lóc mỗi góc vài cái. Mùi mực nướng nồng nặc, vài cái râu mực cháy đen nhẻm còn sót lại rơi vương vãi, cả hàng dài những chú kiến đen vẫn đang hối hả đi theo đàn tranh thủ tha mồi về tổ của chúng. Chiếc bánh ga tô lần đầu tiên trong đời tôi được tặng còn dang dở, những nụ hồng đỏ màu máu đã bắt đầu thâm đen viền cánh nằm ủ rũ trên bàn. Quần áo dày xéo lên nhau, nằm lung tung ở cuối tấm đệm. Bên cạnh tôi, đôi mắt Nam vẫn nhắm nghiền, hơi thở đều đều phả ra vô tư lự. Còn tôi, kẻ như đang bị hút kiệt sự sống của mình, từng tiếng thở hắt ra đứt quãng, đầy nặng nhọc.

Tôi như kẻ chết ngồi, mắt trân trân nhìn mọi thứ đang phô diễn ra ngay trước mắt mình một cách thản nhiên. Tôi ngỡ tưởng, người đang ở trước mặt là bố và mẹ. Bàn tay trái bố đang chỉ thẳng vào mặt tôi, mắng nhiếc. Nào thì:"Đồ lăng lòa. Đồ rước trai về nhà ngủ. Đồ cho ăn học mà đầu óc toàn bã đậu. Đồ bôi tro trát trấu vào danh dự của cái nhà này, ...Trước khi lên thành phố, bố mày dặn đến cạn cả hơi rằng phải lo học hành tử tế. Giờ học chưa được cái chữ nào vào đầu thì thân con gái đã tả tơi thành ra thế này đấy hả. Trời ạ .". Bàn tay phải đầy gân guốc của bố, nắm chặt lấy cái que mây kêu rắc rắc, đập đen đét xuống nền nhà theo từng tiếng quát tháo buông ra. Còn mẹ thì khóc than ở dưới bếp, cứ cố bênh vực tôi là bị bố chửi vạ lây theo:"Con hư là tại bà. Bà là người không biết dạy con. Nhục, nhục lắm. Nghe chưa hả?, ...". Rồi hàng xóm đứng vây quanh đầy ngoài cổng, ngoài sân xem bố tôi dạy loại con gái hư như thế nào, xem có phải cạo đầu, bôi vôi và bỏ sông hay không. Lũ trẻ con làng thì đang í ới mấy bài ca mà xưa nay chỉ dành cho loại gái không chồng mà chửa. Còn tôi ư? Như bố bảo đấy, lấy cái mo cau mà úp vào mặt khi đi ra ngoài đường. Mà có khi đừng ra ngoài đường nữa, người làng lại bôi nhọ thêm vào bộ mặt của gia đình.

Tôi khóc.

Tôi nặng nhọc, đứng dậy đi lững thững vào nhà tắm. Tiếng nước xối xả, mát lạnh mà chẳng làm tôi tỉnh, chỉ thấy lạnh ngắt như tảng băng tan, buốt tới tận xương, tận tủy và nước mắt đau đớn hòa chung. Tiếc nấc nghẹn ứ cổ họng tôi. Tôi thấy tức ngực, từng hơi thở nhả ra như người hấp hối. Tôi đã giam mình rất lâu trong phòng tắm mà Nam vẫn chưa tỉnh giấc.

- Này, dậy mau!

- Cho con ngủ chút nữa đi cô. Hôm nay con không có học mà.

Nam ngái ngủ, nói lảm nhảm rồi quay người vào trong. Trời đất, chắc hắn tưởng tôi là mẹ anh Hải hay cô giúp việc gì đây:

- Dậy đi . - Tức giận, tôi cầm luôn cả cán chổi quét nhà đánh vào người Nam hai cái.

Nam dụi mắt, tay quờu quờu cái kính ở cạnh đưa lên mắt. Rồi hoảng hốt, há hốc miệng nhìn tôi, kéo chăn lên, đưa mắt lại nhìn mình và đám quần áo cuối tấm nệm. Không để Nam thắc mắc hay nói gì trước, tôi đóng xầm cửa lại, đi ra ngoài:"Mặc đồ vào, nhanh lên".

Năm phút, rồi mười phút, Nam vẫn chưa bước ra ngoài cửa, trong phòng vẫn im lặng. Tôi đập cửa, Nam cũng không trả lời. Cánh cửa gỗ từ từ đẩy ra, phát tiếng kêu két két:

- Mặc quần áo xong thì về đi, ngồi đấy làm gì nữa. Tính giải thích sao, khỏi cần đi, say xỉn thì cả hai còn biết gì nữa đâu. Tôi cũng có lỗi mà. Tôi đây là gái quê, nhưng cũng chẳng bắt đền hay ăn vạ gì Nam đâu. Đứng lên rồi đi về cho tôi còn dọn dẹp nhà cửa. Chiều tôi còn đi làm thêm nữa chứ. Tôi không rảnh rỗi, thừa thời gian như mấy người đâu. Nghe không hả. ... . Sao còn ngồi ì một đống ra đấy. Đã bảo đứng lên cơ mà.

Tôi nói một hơi dài như người chị đang giảng bài cho cậu em trai. Nam vẫn ngồi im, đầu tóc rối bù. Hình như lớp gel xịt tóc tối qua mà cậu ta cố chau chuốt cho đẹp mã thì hôm nay nhìn trông thấy rõ bẩn và xù lên như một con nhím vừa mới thoát ra khỏi cái hang ẩn láu. Tôi lại càu nhàu, nhưng tỏ vẻ cảm thông, dịu dọng xuống một chút:

- Nam vào gội đầu, tắm qua loa đi, không về mẹ anh Hải lại thắc mắc mà mắng cho .

Nam vẫn để cho tôi độc thoại như một con rối. Tôi cũng thấm mệt, mà cũng đuối lý, chẳng còn biết nói gì để cậu ta chịu đứng lên. Sức vóc tôi thì cũng chẳng đủ để có thể lôi cậu ta ném ra đường như mang một bịch rác quăng vào thùng chứa. Tôi đang tức giận, lẫn cả sự căm thù, dẫu vẫn biết, tôi cũng là người có lỗi.

Nam kéo tấm chăn lên, bảo tôi nhìn xuống"vết máu"đó. Tôi cáu bẳn, nhưng tỏ vẻ không quan tâm, rồi cười nửa miệng:

- Đã bảo đây không không thích ăn vạ hay bắt đền mà. Đứng lên, đi về không tôi gọi chủ nhà đấy.

- Ừ. Lúc nào Đan khỏe, Nam qua rồi mình nói chuyện sau.

Nam trả lời cụt lủn rồi đứng dậy bỏ đi.

Tôi đứng lên khép cửa phòng. Dáng đi xiêu vẹo, oặt ẹo như mầm cây đang vươn mình trỗi dậy, nhưng thật không may nó lại bị lệch hướng.

Tôi giam mình trong bốn bức tường tối đen. Cửa phòng đóng kín, qua khe hở có chút ánh sáng mặt trời lọt qua tạo ảo giác nhờ nhờ. Tôi nằm vật xuống tấm nệm, chút mơ hồ. Lúc này thì, nước mắt tôi đã không thể nào cầm cự được. Nó trào xuống hai bầu má, lăn xả không ngừng. Tôi nhìn lại chính mình, nhìn vào nơi vùng kín của cơ thể. Nơi đó, nó vừa mới bị một vết thương, nó đang đau đớn và vẫn rỉ máu không ngừng. Vết thương bí mật được che giấu kín giữa đôi chân. Mọi thứ im lặng nhưng hậu quả có lẽ là vô cùng tàn khốc, đang chết dần trong mòn mỏi.

Tôi ước, ông mặt trời đáng ghét kia biến mất ngay tức khắc. Tôi mong, mong mỏi một trận mưa xối xả, cuốn trôi tất cả mọi thứ vào ngay lúc này.
Chương 12: Từng kí ức đánh dấu sự trưởng thành
Năm tôi học lớp tám, lần đầu tiên tôi bị chảy máu nhiều và chảy liên tục như thế. Tôi lo lắng, nếu trong vòng một giờ nữa mà máu vẫn chảy ra như thác lũ, kiểu không muốn ngừng nghỉ thế này, thì có thể tôi sẽ chết rũ vì máu không được cầm cự. Tôi khóc.

Chị Di Vân và mẹ ra đồng gặt, bố thồ lúa về sân. Chỉ có mình tôi ở nhà phơi thóc, gẩy rơm và nấu cơm nước. Giữa buổi, máu từ cửa mình chảy ra làm tôi phát khóc và ở lì trong nhà vệ sinh. Tôi nhai ngọn lá chuối non đến chát đắng ở cổ họng, bịt vào mà không sao cầm được máu. Linh nghe tôi vừa than khóc vừa kể lể như lời của người sắp cạn hơi thở cuối cùng. Trong khi đó, Linh cười vang rồi vài phút sau lại chạy sang nhà tôi mang theo miếng băng vệ sinh. Linh còn chỉ tôi tỉ mẩn cách dùng như thế nào cho hợp lý nữa. Hóa ra, chị Tấm Linh này đã bị giống như tôi trước vài tháng nên sành sỏi lắm. Tôi trách Linh, sao bị như vậy mà không kể cho tôi nghe. Linh bảo nó ngại, sợ kể mà tôi còn chưa có thì thẹn lắm, còn từ giờ thì tha hồ mà thủ thỉ. Tiếng Linh cười vang giữa cái nắng tháng năm oi nồng khi hai đứa đang giúp nhau đổ thóc ra sân phơi.

Trưa về, mẹ bảo tôi đến tuổi dậy thì rồi, thành con gái lớn rồi. Mẹ dặn, ở xa con trai ra, đứng gần chúng nó thôi cũng là mang chửa hoang đấy, người làng người xã họ cười vào mặt cho. Mẹ kể hết cô này đến cô khác, từ xóm trên đến xóm dưới, phải một thân một mình nuôi con và bị người làng xa lánh. Tôi sợ. Chị Di Vân cũng kể ngày trở thành con gái, mẹ cũng căn dặn kĩ lắm, nhớ lời mẹ mà làm không là bố đánh chết:"Bố mình là bộ đội, mắc bệnh sĩ diện cao, em mà học hành không đến nơi đến chốn rồi ham chơi là bố đánh chết, đừng có làm mất mặt bố mẹ với bà con lối xóm, hiểu không?". Tôi nhăn mặt:"Có khi bệnh sĩ diện của em còn cao hơn bố nhà mình ý chứ".

Ở làng, vào tầm tuổi của tôi, thì chị Tấm Diệu Linh là đẹp gái nhất, thứ hai là cái Ngọc ở xóm trên, rồi tôi vinh dự được nhận danh hiệu xinh thứ ba của làng. Bọn con trai làng ghẹo suốt:"gái quê là gái thật, còn gái huyện, gái phố hầu như toàn là hàng giả thôi".

Cái Ngọc lấy chồng khi còn đang học lớp mười một vì dính chửa hoang. Ở làng dạo đó, chỗ nào cũng tụm năm tụm bảy nói chuyện về cái Ngọc, từ gốc đa, cái giếng làng, cho đến giữa cánh đồng, hay ngồi nghỉ trưa cạnh con kênh, bờ máng:"Xinh gái cho lắm vào mà dính chửa hoang. Xưa nay, tôi thấy mấy đứa có chút nhan sắc, có đứa nào ngoan ngoãn, hiền lành gì đâu. Giờ phải lấy cái thằng cửu vạn, nghèo kiếp xác. Mà cũng may thằng đấy nó lấy cho đấy, không thì ra đê dựng tạm cái lều mà ở tạm bợ qua ngày". Tôi và chị gái nghe bác hàng xóm lên giọng, rồi cúi đầu bỏ đi. Tại vì họ bảo tôi xinh gái xếp thứ ba của làng, biết đâu cũng chẳng ngoan ngoãn hay hiền lành gì. Tôi thoáng giận. Tay chị Di Vân siết chặt tay tôi:"Đừng có mà nghe họ nói bậy".

Từ đó, tôi và Linh bị bố mẹ quản lý gắt gao hơn. Ngoài giờ lên trường, chúng tôi chỉ được phép ở nhà phụ việc nấu cơm, giặt giũ. Trước sáu giờ tối, cửa cổng đều khóa chặt, không cho ai ra khỏi nhà. Chị gái tôi cũng vì thế mà chẳng được đi chơi cùng bạn bè vào buổi tối, dù đã tốt nghiệp đại học. Mẹ lo lắng, trách bố vì sợ chị gái ế chồng. Bố trừng mắt bảo:"Tôi nhắm được một thằng rồi, nhà ở ngay giữa thị trấn. Thấy nó cũng có vẻ ưng con bé nhà mình lắm. Ế gì mà ế. Bà giờ lo cho con út đó. Chuyện con Ngọc ở nhà bên đã sáng mắt ra chưa. Ranh con mà học đòi làm người lớn". Rồi chị Di Vân cũng đi  lấy chồng. Và bố trở thành ông mai mối vĩ đại nhất trong mắt chị gái tôi. Bởi anh rể đẹp trai, học thức và gia đình có điều kiện. Mẹ nhìn tôi:"Ráng học đi con. Bố lại mai mối cho người chồng chẳng thua kém gì anh rể đâu", khiến chị Di Vân và tôi cùng cười lăn ra giường.

Còn tôi và Linh thì bị cấm chuyện trò hay giao du gì cùng cái Ngọc. Mỗi lần đi học về, qua cái túp lều lụp xụp dựng tạm giữa cánh đồng phải hứng bao nắng gió, tôi lại thương nó - cảnh mẹ trẻ, con thơ. Túp lều hẻo lánh, ở rất xa so với làng Hạ. Bốn phía xung quanh chỉ là đồng lúa, và vài ba túp lều xiêu vẹo khác, cũng đã rách bươm. Những con kênh, mương máng xộc lên một mùi hôi thối của rơm rác, do người dân ở làng thải ra. Những đàn muỗi mát, nhỏ li ti, bay lòng vòng tạo ra thứ âm thanh"vo vo", có khi xộc thẳng, và bu đầy vào mặt đứa trẻ đang nằm một mình trong chiếc võng.

Tôi ghé vào thăm và trò chuyện mà Ngọc có vẻ tránh mặt. Linh thì nhất quyết không chịu vào, cứ đứng ngoài gọi í ới, đòi về nhà nhanh thôi. Linh sợ người làng nhìn thấy, họ lại bữu môi, dè bửu, chê bai, lẫn xúc phạm, rồi nói lại với bố mẹ thì khổ thêm. Cái Ngọc hiểu tính nết của Linh, cũng đuổi khéo tôi về. Tôi thương nó lắm.

Thỉnh thoảng tôi đi học qua túp lều, thấy bóng dáng Ngọc lép sát mình qua khe cửa, đôi mắt nó lộ rõ vẻ thèm khát được tới trường, lẫn sự ân hận của những ngày xưa kia.

Trong đầu, lúc nào chúng tôi cũng có ước mơ ngồi máy bay đi vù vù tận chín tầng mây, nên sợ sệt, cắm đầu vào học, và không dám chơi bời, tụ tập gì.

Còn bây giờ, tôi chỉ bị chảy một xíu máu màu đỏ tươi, thấm dần và loang ra chăn gối, nước mắt ngấn lưng chừng mà không thể khóc. Cũng có thể tôi muốn bật khóc để mọi thứ vỡ tung ra, tan nát, nhưng lại không làm được. Vì sẽ chẳng còn mẹ như ngày nào bảo tôi đã thành con gái lớn rồi,  phải giữ lấy mình nghe chưa? Mà chỉ có tôi tự thủ thỉ với bản thân rằng:"Đan ơi, thành đàn bà mất rồi - một ả đàn bà bất đắc dĩ". Tôi co mình, nằm im. Chiếc gương bên cạnh hắt lại một hình ảnh: cô gái ngày nào nay đã già đi chỉ trong chốc lát.

Nam quay lại, đưa cho tôi vỉ thuốc có hai viên nhỏ xíu như thuốc B1. Nam dặn uống một viên trước, mười hai giờ sau uống viên còn lại. Nếu có triệu chứng bất thường xảy ra thì gọi ngay cho cậu ấy. Nam để bát phở nghi ngút khói trước mặt, nói tôi cố gắng ăn một chút trước khi uống thuốc, nếu không sẽ rất mệt mỏi. Nam nói lời xin lỗi. Tôi trả lời bâng quơ tại mùi thơm của tóc bỏ bùa mê cậu ấy. Nam hôn nhẹ lên trán tôi:"Nhớ lời Nam dặn nhé!", rồi khép cửa và ra về.

Rất khổ sở cho tôi với những ngày sau đó. Tôi chóng mặt, hoa mắt và buồn nôn cho dù đã làm đúng theo như lời Nam dặn. Mỗi ngày, Nam gửi cho tôi ba tin nhắn hỏi thăm và nói nhớ tôi rất nhiều. Tôi trả lời lại rằng, tôi cám ơn cậu ấy vì sự quan tâm chu đáo nhưng tôi không cần một trách nhiệm nào cả sau khi chuyện đó đã xảy ra; tôi đã đủ tuổi trước pháp luật để chịu hoàn toàn trách nhiệm với những gì mình đã gây ra. Nhưng Nam nói:"Cậu ấy yêu tôi". Tôi thấy nghẹn lòng, câu nói của Nam cũng đã xoa dịu nỗi đau, san đều nỗi nhớ trong tôi bớt phần nào.

Sau bốn ngày uống thuốc, thì tôi bị rong kinh, mặc dù còn cả hơn nửa tháng nữa mới đến tháng. Tôi sợ hãi nhưng không dám nói với ai, càng không thể ra hiệu thuốc hỏi cho rõ ràng được, tôi đành nên mạng và tự tìm hiểu. Điều mà làm tôi lo sợ nhất là khi đọc về bài viết trên báo sức khỏe:"Hai viên thuốc Nam đưa uống nhiều sẽ có nguy cơ bị vô sinh". Tôi uống nhiều không? Hai viên là nhiều hay ít? Đầu óc tôi bấn loạn.

Anh quản lý đã cho tôi nghỉ việc với lý do trong bốn ngày mà tôi làm vỡ bảy cái tô và ly đựng sinh tố. Anh nói, nếu không nghỉ để dưỡng sức chắc tôi làm cả tháng chỉ để bù cho phần đổ vỡ đã gây ra, mà không khéo còn bù lỗ. Tôi xin lỗi:"Cám ơn anh. Tháng này, em thi nên phải thức đêm học bài". Anh quản lý an ủi tôi như một người anh trai lớn:"Ừ. Cố gắng lên em. Sinh viên xa nhà, ai chẳng thế!". Anh quản lý vỗ vai tôi đầy tin tưởng và động viên. Tôi trách mình vì những câu nói dối, tôi tự vả vào miệng mình như một thói quen, tự đấm vào ngực mình, tự vò đầu bứt tóc với hàng tá suy nghĩ rối ren trong đầu. Tôi muốn được nghỉ ngơi. Trước mắt tôi, mọi thứ như ảo giác.

- Em làm anh lo lắng đấy. Chuyện gì đã xảy ra với em sao? Có thể chia sẻ với anh được chứ? - Anh quản lý nhìn tôi, nhỏ nhẹ.

Tôi lắc đầu.

- Anh rất quý em, nên anh thực sự không vui khi nhìn thấy em mệt mỏi và căng thẳng như thế. Trong đôi mắt của em, có sự u uẩn, mang màu sắc xám của sương mù đặt sệt.

- Nhìn em lạ lắm ạ?

Anh gật đầu và thở dài. Tôi đang chết lặng.

...

Tôi tỉnh dậy khi trời đã hơn bảy giờ tối. Nam ngồi cạnh, nở nụ cười nhìn tôi:

- Nam nấu cơm, luộc rau và rán trứng cho Đan nữa. Cùng ăn tối nha.

- Ai bảo Nam làm những việc đó đâu. Đan tự làm được, Nam về đi, không muộn rồi .

- Trời trời, bỏ công ra nấu mà còn bị bỏ đói, đuổi về là sao trời. - Nam vừa đỡ tôi dậy, vừa cười khẩy, vờ như cằn nhằn.

- Thì Nam gói hết thức ăn, trên đường vừa về vừa ăn. Có ai bỏ đói Nam đâu.

Tôi nói không tiếc lời, mặc cho Nam đang cố ra sức dỗ dành. Sau khi giúp tôi dựa người hẳn vào tường, Nam lấy cơm, trứng và chút rau ra bát, mang lại gần chỗ tôi ngồi:

- Đan ăn rồi uống thuốc nhé. Nam về đây.

- Ừ.

Tôi quay mặt đi. Nam vừa bước ra cửa, lại ngoái đầu lại:

- Nam về thật đấy!

- Ơ hay. Về thì về đi.

- Ừ. Nam về.

Giọng Nam buồn trông thấy. Tôi cũng không biết vì sao mình làm thế, nhưng ít nhất thì cái tôi của bản thân vẫn đang tràn lên tận cổ. Miệng tôi đắng ngắt, đôi mắt lờ đờ mệt mỏi nhìn sang chỗ thức ăn. Nó vẫn gọi mời tôi, không phải vì tôi đói, mà vì đó là cơm người tôi yêu nấu cho tôi ăn. Tôi không thể chối từ.
Chương 13: Đừng thử
Miếng cơm đầu tiên chưa nuốt trôi khỏi cổ thì giọng nói của Nam đã vọng lại sang sảng, làm tôi ho sặc sụa. Nam chạy vội đi rót ly nước lọc đưa cho tôi:

- Từ từ thôi Đan. Coi ai tới kìa. Hôm nay rồng bỗng tới nhà tôm à nha.

- Bệnh mà không thèm nhắn tin tao một tiếng. Tính ốm mòn thành bộ xương khô mới biết đến mặt mũi tao hả. - Linh vừa mang túi hoa quả vào phòng vừa lên giọng trách cứ, ra vẻ làm một người chị biết quan tâm và lo lắng.

Tôi cười nửa miệng. Bờ môi khô nứt bị kéo căng ra khiến tôi chợt có cảm giác đau điếng như que kim đâm vào da thịt. Tôi nhíu chân mày:

- Em bị trúng gió thôi, có chết đâu mà chị lo.

Tôi đưa mắt nhìn anh Hải ở phía ngoài, đầu tóc chuốt gel bóng mượt, trải chuốt ngược lại đằng sau đang từ trên chiếc tay ga mới toanh bước xuống. Tôi nói nhỏ với Linh:

-  Anh Hải chăm chị dữ nhỉ, nhìn xinh và má phính hồng ra trông thấy, đúng là xưa nay vẫn không hổ danh xinh đẹp nhất làng Hạ. Kì này mà có về quê, không chỉ làng Hạ, mà còn bên làng Đông cũng phải ngả nón đón chào hoa hậu tên Diệu Linh chứ chẳng đùa.

- Thật hả, hay lại muốn nịnh đểu tao. - Linh hét toáng, nhẩy cẫng như con nít lên ba vừa được cho kẹo, chạy ra níu kéo tay anh Hải. - Đấy, anh nghe rõ chưa, con Di Đan nó vừa bảo: em xinh ra, không hổ danh là đứa xinh nhất làng như ngày xưa đó.

- Ừ, xinh xinh . - Anh Hải cười với Linh, rồi nhìn tôi. - Bộ Đan ốm thế nào hả em?

- Dạ, cám ơn anh đã hỏi thăm. Em bị cảm nhẹ thôi ý mà . - Tôi đong đưa giọng bảo Nam. - Lấy nước cho hai người giùm Đan đi Nam.

- Khỏi, khỏi . - Linh gạt phắt. - Mà tụi bây như vợ chồng ý nhỉ. Vợ ốm, chồng nấu cơm ăn, hạnh phúc thế còn gì. Nấu nhiều không, tao ăn luôn nè. Hì.

Tôi và Nam mắt tròn, mắt dẹt nhìn nhau, chưa kịp phản ứng gì thì Linh lại cất cao cái giọng lanh lảnh như chim hót:

- Thôi, tao đùa đấy. Tao đến thăm mày chút rồi đi có việc luôn đây. Giữ sức khỏe đấy nhé. Bữa nào rảnh, tao qua. Lâu rồi, hai chị em mình không nói chuyện ý nhỉ. Nhiều chuyện hay lắm, tao kể cho nghe để đầu óc mày nó phóng khoáng lên, ai đời quê mùa mãi. Vả lại, tao cho xem hình mới chụp ngoài biển, không thua kém gì hoa hậu đâu nha.

Tôi rùng mình, lạnh sống lưng với cụm từ:"Hai chị em mình"của Linh, nghe cứ giả tạo thế nào. Lâu nay, lúc nào tôi muốn gặp thì Linh đều kêu bận việc này, việc kia, mở miệng ra là anh Hải của tao thế này này, đóng miệng lại vẫn không quên gọi"tiền ơiiiiii, mi đang ở đâu thế?". Tự dưng, tôi thoáng giận Linh.

Linh dúi vội vào tay tôi đồng polime năm trăm nghìn mới cứng, rồi chạy ra ngoài leo lên xe. Anh Hải nháy mắt ra hiệu chào tôi và Nam, lên ga, vội vã. Tiếng cười giòn tan của nam thanh nữ tú hòa với gió rồi tan loãng ra. Bóng dáng họ cũng mất hút nhanh chóng theo lối hẻm sâu và chật chội đi vào xóm trọ.

Có lẽ thế giới mà tôi và Linh đã từng chung sống với nhau, giờ đã có làn gió mới dội vào, làm đổi thay mọi thứ. Như trái đất tròn này vẫn quay, như vầng thái dương kia vẫn tỏa nắng, chỉ có cơn gió này là lạ, chỉ có những đám mây mỗi lúc một hình dạng kia là thay đổi. Linh của những ngày đã qua không còn nữa. Nhưng biết đâu, ngày mai Linh sẽ trở lại. Còn hôm nay, Linh thay đổi rõ nét thật rồi.

Tâm trạng tôi như nổi giông tố. Tôi chỉ muốn được hét toáng lên để những nghĩ suy trong đầu vỡ vụn. Tâm trạng tôi trì trệ, nặng nề. Tôi chỉ muốn giống như con thuyền lênh đênh ngoài khơi, bị con lốc xoáy mạnh úp lộn nhào xuống rồi sóng nhấn chìm hay cuốn đi tất cả. Chưa bao giờ, tôi cảm thấy tâm trạng mình trì trệ và bí bách như bấy giờ.

Tôi ước mình biến mất khỏi thế gian. Hoặc là, những chuyện đau khổ kia thiêu trụi thành tàn khói và hòa loãng vào không gian. Giá như, tôi khóc được. Giá như, tôi yếu đuối hơn mình vẫn tưởng. Tôi không muốn sống mạnh mẽ nữa. Tôi chỉ muốn được nằm xuống và nghỉ ngơi. Nhớ lại khoảng thời gian trước cứ phải gồng người lên để đối mặt với cuộc đời, cơ thể tôi lại như chất vôi mềm nhũn ra tựa không xương.

Đồng năm trăm nghìn trong tay tôi dường như hóa đá, lạnh ngắt. Tiền là giấy - thứ giấy độc quyền mà ai cũng thích nâng niu, để phẳng phiu, gói gọn và đem cất kĩ như thứ thực phẩm tươi sống phải đóng gói và bảo quản. Đến ngay cả tình chị em cũng được quy ra tiền sau bao nhiêu ngày mới gặp nhau, chỉ lời qua tiếng lại vài ba câu ngắn lủn củn rồi đi vội vã, chẳng buồn lấy một lần ngoái đầu quay lại mỉm cười. Đồng tiền cuốn người ta đi theo dòng xoáy. Tôi cũng không dám tưởng tưởng, trong cơn xoáy xoay vòng tròn mãnh liệt ấy, thì lực hút của nó xuống tận đáy đại dương sẽ lớn như thế nào và hậu quả sẽ nghiêm trọng ra sao. Tôi thấy sợ, nhưng bản thân tôi thì nào có quyền bắt người khác phải nghe theo ý của mình. Càng sợ hơn, khi tôi bữa no bữa đói, còn người ta ăn sung mặc sướng chỉ cần việc học. Tôi co mình lại. Chưa bao giờ trong suy nghĩ của bản thân tôi thay đổi:"Mình là gái quê".

Nam lắc đầu, ngao ngán:

- Nam ăn chung với Đan nhé! Nam đói quá rồi .

- Ừ. Nam lấy cơm khác cho Đan luôn, cơm này nguội ngắc .

Tôi cười gượng với Nam thay cho lời xin lỗi. Bữa cơm chiều muộn trôi qua trong khoảng thời gian như ngưng đọng.

Sài Gòn ra rả những cơn mưa dài day dứt mãi. Tôi và Nam ngồi nhìn nhau như những người câm lặng lẽ, chẳng biết nói gì. Tôi quay lưng lại. Tôi ghét nhìn vào ánh mắt của Nam, nó như chứa một sức mạnh vô hình luôn khiến bản thân tôi mất tự chủ. Tôi không nỡ bảo Nam về khi cơn mưa vẫn còn đang nặng hạt. Tôi cũng không muốn Nam ở lại trong phòng của mình khi đã quá mười hai giờ đêm. Cứ mỗi khi nghĩ lại chuyện của những ngày trước đó, tôi phát rùng mình. Cảm giác lạnh chạy dọc sống lưng và hổ thẹn, đầy tội lỗi, làm tôi run lẩy bẩy, mà không thể nào bật khóc thành tiếng được.

Trong đôi mắt của Nam, hình ảnh tôi nằm trọn vẹn nơi đấy, sao nhỏ bé, sao liêu xiêu và mong manh đến lạ kì. Đôi môi Nam mấp máy như muốn nói đôi lời, nhưng hình như cũng không tài nào bật lên thành tiếng. Tôi lại hướng cái nhìn của mình ra phía cửa sổ ngắm cơn mưa, thỉnh thoảng quay lại nhìn Nam và bắt gặp cái nhìn đăm đăm nhưng hết sức nồng nàn.

- Đan ngủ đi. Nam về đây. - Tiếng Nam nhỏ nhẹ nhưng cũng đủ át tiếng mưa ngoài kia để tôi đưa ánh mắt lơ đễnh nhìn lại.

- Bệnh đấy. Ở lại đi.

- Đan không sợ à?

- Đan không.

Nam lại gần tôi, đặt nụ hôn nhẹ trên vầng trán ương bướng còn nóng ran. Tôi cảm nhận rõ hơi thở của Nam lướt dọc xuống tận vành tai, như cơn gió xuân thổi nhẹ, mơn man da thịt mình. Nam hỏi nhỏ:

- Có phải Đan mệt không?

Tôi lắc đầu:

- Nam biết chuyện đó lâu chưa?

- Từ ngày còn học cấp ba.

- Hình như là quá sớm.

- Có lẽ vậy. - Nam so vai. - Ngày đó, nếu trai Hà Thành mà lên lớp mười còn chưa biết sex là gì sẽ bị cho là đồ nhà quê.

Tôi cười nhạt trước câu trả lời đó.

- Nam khóa cửa, tắt điện và nằm bên đây nhé!.

Tôi đặt tay sang phía bên trái chỗ mình ngồi ra hiệu cho Nam rồi từ từ ngả lưng xuống, với tay nhấn công tắc đèn ngủ. Nam vẫn im lặng, nhìn tôi như"đồ nhà quê", tỏ vẻ ngây ngô, không hiểu gì. Tôi nhéo vào tay Nam, cậu ấy xuýt xoa, kêu đau:

- Nếu không muốn, Nam có thể về. Và thật tệ, đêm nay Đan bỗng thấy mình cần một người ở bên cạnh. Đan thấy rất cô đơn. Đan sợ ở một mình.

Nam nhíu chân mày, đứng dậy. Không như tôi nghĩ, Nam tắt đèn rồi bước ra ngoài, và cánh cửa từ từ khép lại. Hẳn Nam đang rất ghê tởm với lời đề nghị của tôi, khi mà mới vài tiếng trước, tôi đã đuổi cậu ấy ra khỏi nhà với những lời lẽ cay nghiệt nhất có thể. Bỗng thấy sống mũi cay và nước mắt chảy ra, tôi kéo chăn, chùm qua đỉnh đầu và khóc. Tôi chửi mình, nguyền rủa mình vì tất cả những gì đã xảy ra. Căn phòng như rỗng toác và rộng thênh thang trong màn đêm. Ánh đèn ngủ màu xanh lợt bủa vây lấy cái bóng đen của tôi in vật vạ trên vách tường. Tôi biết mình cô đơn và chỉ muốn gào lên trong cơn sợ hãi đó. Lần đầu tiên kể từ ngày xa nhà, tâm trạng tôi hoảng loạn và bất an như thế.

Tiếng sét lớn làm tôi rùng mình, tiếng nấc nơi cổ họng khiến đôi bàn tay gầy nổi những đường gân xanh run lẩy bẩy. Không biết Nam của tôi giờ này thế nào. Chiếc điện thoại cũ nằm im lìm trên bàn học. Tôi chếch choáng như kẻ say, lồm cồm lết người tới. Đắn đo hồi lâu, tôi mới quyết định gửi tin nhắn vừa viết. Đồng hồ đã chỉ hai giờ thiếu. Một ngày mới cận kề trong cơn mưa, thấy lòng mình sao lạnh buốt và cũng ướt át đến quá chừng.

Cánh cửa đẩy ra, cơn gió thốc mạnh vào phòng trọ, như móng vuốt của một con mèo cào xé rách trên da thịt tôi, làm đôi vai tôi nhô lên cao vì rùng mình và đôi môi bặm lại, tím tái. Vài trang giấy trên bàn học bị hất tung xuống mặt đất, kêu sột soạt.

- Có thật là Đan đang rất nhớ tôi không?

Tôi quay người lại phía sau, đôi môi bặm chặt mà vẫn nấc lên, khẽ gật đầu.

- Nam đứng ngoài cửa, không dám về vì Đan bệnh, chẳng may có chuyện gì xảy ra thì .... Nam sợ mình ở lại, Đan sẽ nghĩ Nam là người ....

Tôi đã rất cảm động vì điều đó.

- Không phải như Nam nghĩ đâu. Đóng cửa vào đi, Đan lạnh.

Tôi đi về phía giường. Nam ngồi xuống ngay cạnh tôi. Bàn tay tôi đặt lên tay Nam, lạnh buốt.

- Có thật là Đan cần Nam ở lại không?

Tôi không trả lời, cho dù tôi rất muốn hét lên cho cậu ấy biết rằng:"Có, nhiều lắm, Nam hiểu không?". Đôi mắt sáng long lanh của Nam vẫn nhìn tôi không lấp liếm, như thể cậu ấy muốn có câu trả lời ngay lập tức. Nam kề sát khuôn mặt mình về phía tôi, hơi thở gấp gáp:

- Nam đã từng rất yêu quý Đan. Đan đừng có nghĩ Nam chỉ là một thằng trẻ con tuổi hai mươi mãi như thế, được chứ?

Tôi vẫn không thể cất lên lời, chỉ biết mỉm cười mà đôi mắt cứ ầng ậc nước. Tôi soi rõ hình ảnh mình qua đôi mắt của Nam: khờ khạo lẫn ngốc nghếch. Đôi mắt tôi cụp lại, mơ màng về những điều xa xăm. Đó không hẳn là nụ hôn đầu tiên của tôi sau đêm say ngày sinh nhật, nhưng chắc chắn là lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ dư vị của nó thế nào. Sự vụng về lẫn lúng túng của đôi môi, nhưng rất lâu và ngọt ngào. Những cái vuốt ve từ đôi bàn tay ram ráp của Nam luồn qua khe áo mơn man da thịt đang dần ấm lên trong đêm mưa gió. Làn hơi thở nóng ấm phả ra lướt dọc cơ thể và cả những cái rên xiết đớn đau mà dịu dàng, pha lẫn sự ngọt ngào tràn đầy hạnh phúc.

Liệu đó sẽ là tiếng rên êm ái , hay tiếng nói mệt nhoài khe khẽ như Diệu Linh từng nói? Hay là tiếng kêu thấp hèn trong cơn hoan lạc của một trò chơi ảo giác mà tôi đã từng nghĩ rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều vô cùng bẩn thỉu. Tôi không biết?

Tôi cảm nhận được chiếc nệm đang bị lún mỗi lúc một sâu hơn.

Có thể với Nam, điều đó chẳng còn gì là xa lạ. Nhưng với tôi, từ giây phút đấy mới thấm thía cảm giác từ một trinh nữ hóa thành đàn bà như thế nào. Cảm xúc trong tôi xáo trộn bởi vốn dĩ tôi không phải là một cô gái ngoan để có thể tự chủ và giữ gìn bản thân.

Đêm đó đánh dấu một sự biến đổi mạnh mẽ trong tôi. Thoắt cái, tôi như già đi trông thấy rõ.

Vào thời điểm hiện tại, độ tuổi của chúng tôi chịu sự ảnh hưởng khá lớn, đồng nghĩa với việc được tiếp thu về sự phóng khoáng, cởi mở trong mối quan hệ nam nữ từ nền văn hóa phương Tây, khiến cho thế hệ trẻ gần như thoáng và dễ dàng đón nhận những cử chỉ yêu thương, âu yếm và đòi hỏi cả sự bình quyền.

Nhưng mọi chuyện cũng đã đi quá xa, mọi lời giải thích và biện minh của tôi để bào chữa cho hành động sai trái của mình cũng là điều không thể nào chấp nhận. Những gì bố từng nhắc, những gì mẹ từng căn dặn... tôi chưa bao giờ quên cả. Tôi thuộc chúng làu làu như học thuộc một khung ghi nhớ ở cuối mỗi bài giảng của giáo viên. Nhưng cái cách mà tôi đã hành động thì lại đi ngược hoàn toàn với hàng loạt lý thuyết đã đưa ra.

Tôi nhận ra rằng:"Có lần đầu thì tất yếu sẽ có lần hai, lần ba, lần thứ n, cho dù bạn có hứa, có trách móc bản thân như thế nào sau lần đầu tiên đã xảy ra. Nếu không thì đừng thử, vì thử là bước đầu tạo nên một thói quen dù tốt hoặc xấu, một thói quen khi bạn không thể kiểm soát được cảm xúc lẫn ham muốn của chính mình".  
...................................................
Đọc truyện teen hay nhất tại yeutruyen365.wap.sh
...................................................
Chương 14: Con trai nghĩ gì về con gái trong vấn đề nhạy cảm
- Alo, có chuyện gì nữa thế? ...Ừ, ăn gì cũng được. .... Khổ nhỉ, mày nấu gì thì tao ăn nấy, có vậy mà cũng phải hỏi. .... Hả, sao cơ? ...Ừ, đang trong lớp, game gì mà game. Thế nha, thầy sắp vô lớp rồi.

Hiếu tắt máy, thái độ tỏ rõ sự bực bội rồi ném mạnh điện thoại vào ngăn bàn. Hiếu quay người về phía tôi tiếp tục cuộc nói chuyện sau khi nghe cú điện thoại mày-tao đầy chát chúa.

- Giờ phòng Hiếu nấu ăn à? Đan cũng tính thế, sinh viên mùa bão giá mà. Khổ quá đi mất thôi. Tháng rồi, Đan nghỉ làm nữa, chi tiêu chắt bóp từng tí một.

- Vợ tôi nấu ăn đấy . - Hiếu dốc ngược chai nước suối, nuốt nước ừng ực.

- Là sao? Ý Hiếu là ...- Tôi tròn mắt, gặng hỏi.

- Hiếu sống chung với con nhỏ lớp bên bữa có nói chuyện cho Đan nghe đấy. Mới được nửa tháng mà ngán ngẩm. - Hiếu thở dài.

- Sao Hiếu bảo không yêu mà chỉ .... - Tôi ấp úng vài giây. - Nhưng sao lại xưng hô mày - tao?

- Xưng hô thế cho nhanh . - Hiếu rung đùi, cười hì hì.- Mà ôi trời ơi, tối ngày nó không thấy Hiếu ở nhà là nó tưởng mình vùi đầu ngoài quán game không à. Là bồ bịch mà cứ muốn làm bà nội người ta ý, quản thúc giờ giấc có khi còn hơn cả bà già Hiếu ở ngoài quê. Tối ngày cằn nhằn, kiểm tra điện thoại, tin nhắn rồi xét lét từng tí một. Hiếu cảm giác như người bị ngồi trong nhà đá vì mất tự do quá nhiều trong cái khái niệm tình yêu sinh viên và quản lý người yêu không khác gì bà bảo mẫu.

- Thì bạn ý thương Hiếu, quan tâm Hiếu thế còn muốn gì nữa. Nhất Hiếu rồi . - Tôi dài giọng.

- Thương gì? Quan tâm cái gì chứ?

- Thế không thương, không quan tâm mà góp gạo thổi cơm chung thế à? Giả bộ nữa .

Hiếu nghiêng đầu hẳn sang một bên, nhìn tôi dò xét mấy giây. Hiếu lại im lặng, quay mặt lên bục giảng, vẻ mặt nghiêm nghị như gã đàn ông thực thụ. Rồi đùng một cái, Hiếu quay ngoắt sang bên, nhìn tôi đăm đăm:

- Đan này, ngủ với nhau thì cứ phải yêu nhau à?

- Đan không biết?- Tôi lúng túng.

Tôi hơi hoảng khi Hiếu hỏi mình như thế, buông câu trả lời lơ đễnh rồi quay đi. Thú thật, tôi cũng không biết nữa. Tôi và Nam không như thế và cũng không giống chuyện của Hiếu mà. Cậu ấy quay sang nhìn tôi, cười:

- Ừ. Đan không biết là phải. Đan ngây thơ, trong sáng và đáng yêu mà. Đan đã biết gì đâu mà trả lời Hiếu. Hiếu hỏi toàn những câu dở hơi.

Tôi như kẻ giả tạo, bọc một vỏ mặt lạ trát bằng cả tấn xi măng vững chắc, cố mấp máy đôi ba câu trả lời:

- Cậu nói thế mà tội nghiệp người ta. Người ta thương cậu thật lòng đấy. Đừng trẻ con vậy chứ.

- Con nhỏ đó chỉ cần trách nhiệm sau khi chuyện đó xảy ra thôi.

- Thế cậu nghĩ mình không cần có trách nhiệm gì à? Cậu làm tớ thất vọng thật đấy.

Tôi nhớ sau ngày sinh nhật, tôi đã không khóc lóc hay van xin người đàn ông đầu tiên đừng bỏ đi, hãy thương hại hay cần phải có một trách nhiệm sau chuyện đó với mình. Vậy mà bây giờ, tôi gần như đưa ra yêu cầu cậu bạn thân trong lớp phải có trách nhiệm, phải quan tâm, lo lắng và hỏi han cô gái ngu ngốc giống hệt như tôi kia.

Thật ra tôi đã cảm thấy rất nhục nhã và vô cùng xấu hổ khi xưa nay vẫn luôn tự cho mình là gái - ngoan. Bởi quan niệm của tôi về gái ngoan hay gái hư rất đơn giản, giống như chuyện được và mất khi đánh một canh bài. Thấy một cô gái bước chân vào nhà nghỉ, tôi cho là gái hư, mà tôi quên mất một khả năng như là cô ấy vào chỉ để vạch mặt hay bắt quả tang người bạn trai của mình đang hẹn hò với người đàn bà khác. Thấy một cô gái mặt mày sáng sủa, ăn nói dịu dàng, mặc đồng phục tươm tất và ngồi nghiêm chỉnh trong giờ học, tôi cho là gái ngoan, mà tôi nào ngờ rằng, cô ta có thể đánh mờ mắt người khác bằng việc ngủ ngồi sau những buổi dạo chơi thâu đêm suốt sáng ở ngoài quán bar.

Thực ra, tôi đã rất sợ Nam bỏ đi, vì nếu như sau này chúng tôi có nỡ chia tay, tôi biết nói gì đây với người chồng mới? Thậm chí sau chuyện đó, liệu mối quan hệ giữa hai chúng tôi còn tồn tại một sự trong sáng nào, hay chỉ còn là ham muốn thể xác và ngày một lún sâu vào vũng bùn bẩn thỉu của dục vọng.

Và thực ra, tôi cũng đã vô cùng hoang mang và lo lắng, nếu như mình mang thai, mình phải nạo phá... Tôi sẽ rất đau...

- Trời ơi ... - Hiếu đảo mắt mấy vòng trước những suy nghĩ miên man của tôi. - Này, Đan nghĩ cái thân của đứa con gái chơi bời như nó mà đến lượt Hiếu đụng vào lần đầu tiên ý hả.

- Hóa ra là Hiếu quan trọng chuyện đó.

- Không hẳn. Thế theo Đan nghĩ, vì sao thằng đàn ông nào cũng muốn bạn gái mình phải còn trinh trắng và mình là người đầu tiên được ngắm nhìn hay hà hít cái mùi hương đặc trưng đó.

- Thời đại đấy qua rồi. Chúng ta đang sống trong thế giới bình đẳng. Hiếu đừng ích kỉ như thế.

- Không phải. Không phải cánh đàn ông cổ hủ hay ích kỉ gì đâu. Mà là họ rất sợ mình không đủ khả năng đem lại hạnh phúc cho người đàn bà đã từng có quá khứ. Một người đàn ông giỏi là người biết làm cho người phụ nữ của mình cười, hạnh phúc và ngập niềm vui. Còn người phụ nữ giỏi phải là người biết quên đi người đàn ông đã làm cho mình cười, được hạnh phúc cho dù là ngắn ngủi trong giây lát. Lần đầu tiên của phụ nữ cũng vậy, họ đau đớn tột cùng... Bởi lẽ thế, chẳng người phụ nữ nào có thể quên được người đàn ông đầu tiên, cho dù anh ta có tồi tệ, bẩn thỉu hay nghèo nàn...

- Dù sao thì cậu cũng không nên đối xử không tốt với cô gái kia. Cô ta không thể dành lần đầu tiên của mình cho cậu, cũng như cách cậu đã dành lần thứ n gửi tặng lại cho cô ta. Có thể cô ta yêu cậu thật lòng, chỉ tiếc là... hai người gặp nhau quá trễ.   

Tôi gấp sách vở lại mang lên bàn trên ngồi. Có lẽ đây là lần nói chuyện thật thà và thẳng thắn nhất từ trước đến nay giữa hai chúng tôi với tư cách là bạn thân. Tôi và Hiếu không đồng quan điểm, cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng và không thể cười trừ một cái làm lành như mọi khi. Tôi càng không thể tập trung với lời thầy giáo trên bục giảng. Mọi thứ xung quanh như tiếng ong vo ve, rên rỉ, thảm thiết kêu gào. Hình ảnh trần trụi của đêm kia, giây phút ái ân tới tột đỉnh, lời nói trách móc cay nghiệt hay những hành động chẳng phải dành cho tình yêu vừa ban nãy, ..., mọi thứ rối ren trong đầu tôi như một ma trận. Tôi đang đi lạc trong chính ma trận do mình tạo ra, và lạc lối ngay cả khi thầy yêu cầu tôi lên bảng để giải một bài toán ma trận nghệch ngoạc bằng đủ thứ phấn màu ở trên bảng. Tôi nhận viên phấn từ bàn tay của thầy, viết rồi xóa, thậm chí chính bản thân còn không biết mình đang giải bài tập hay đang viết những nghĩ suy trong đầu lên bảng bằng những kí hiệu toán học mà chỉ một mình tôi mới có thể giải mã.

- Ngồi học không tập trung. Nếu mệt thì tôi cho nghỉ, về chỗ đi.

Sau cả mười phút đứng như trồng cây chuối trên bục giảng, thầy thở dài nhìn tôi rồi lắc đầu. Và lần đầu tiên, tôi được nhận điểm một của môn học thuộc ban Tự nhiên. Tôi bặm môi, nhìn thầy.

- Không làm được thì một điểm. Về chỗ đi, tuần sau lên sửa bài gỡ điểm.

Tôi về chỗ ngồi. Bàn sau trống trơn, Hiếu đã bỏ về từ khi nào tôi cũng chẳng hay nữa. Cậu ấy để lại cho tôi một mảnh giấy, nét chữ nắn nót và kẹp gọn vào cuốn sách:

"Hiếu quên mất cả hai đứa mình đều là người từ quê lên thành phố học. Hiếu quên mất Đan là một cô gái ngoan, nghị lực và biết giữ mình. Và Hiếu đã sai rồi, Hiếu không nên nghĩ Đan là thằng con trai thân thiết để có thể nói thẳng những lời nói vô duyên như thế. Hiếu phải nhớ, Đan là một cô gái ngoan, thân thiện và tình cảm, để biết giữ lời ăn tiếng nói. Cho Hiếu xin lỗi chuyện lúc nãy nhé!".

Tôi đã rất cố gắng để trấn an mình bằng cách hít thật sâu, vậy mà tiếng sụt sịt vẫn phát ra khiến đứa bạn ngồi bên cạnh huých nhẹ vào tay tôi và đưa cho mảnh khăn giấy:"Thằng Hiếu làm gì khiến đằng ấy buồn hả". Tôi lắc đầu:"Làm gì có. Bụi bay vào mắt thôi".
Chương 15: Bữa cơm tại phòng Diệu Linh
Sài Gòn uể oải, không nắng gắt, cũng buồn chẳng có một gợn mây xanh. Tôi ngồi trên chuyến xe buýt ra tận Bến Thành, rồi chuyển số xe đi về quận Phú Nhuận. Không một cảm giác nôn nao ở trên xe như lần đầu, tôi ngồi ngay sát cửa kính, thả ánh mắt mình dọc theo những chặng đường đi qua, hai bên là hàng cây xà cừ tán rộng và rợp bóng, che khuất những tòa nhà cao tầng, hiện đại, dòng người xuôi ngược vẫn vội vã lướt đi. Tôi muốn qua phòng trọ của Linh xem chị gái con nhà bác cả của tôi sống ra sao, ăn uống như thế nào. Hơn nữa, tôi có rất nhiều chuyện muốn tâm sự, tâm sự như cái lần đầu tôi có kinh nguyệt của bao nhiêu năm về trước đó.

Phòng trọ của Linh khép cửa hờ. Tôi sẽ rất ngại nếu gặp anh Hải còn ở đó. Qua khe cửa sổ, Linh cuộn mình trong tấm chăn, căn phòng vắng lạnh. Tôi đẩy cửa vào, Linh dụi mắt:

- Qua chơi sao không nói trước, tao mệt quá à. Hôm qua về khuya.

-  Em đi học về rồi qua đây luôn. Cứ ngủ đi, em nấu cơm và dọn dẹp phòng cho.

Linh trở mình :"Ừ. Tao mệt quá, phiền mày nha", rồi kéo chăn chùm qua đỉnh đầu, co người lại như hình con tôm. Tôi cất cặp xách và mang túi đựng thức ăn vừa mua vào căn bếp phía trong.

Phòng Linh có bếp ga đôi, cỡ lớn. Tôi nhớ lần trước vào siêu thị thì giá của chiếc bếp ga này là gần một triệu, bộ nồi inox bên cạnh cũng còn mới cứng, có lẽ Linh bận nên ít nấu ăn. Tôi loay hoay mãi mới sử dụng được nó, vì ở phòng trọ, tôi dùng bếp ga mini, nhỏ gọn và chi phí thấp hơn rất nhiều. Trong tủ lạnh chỉ thấy bia, nước ngọt, bánh và một số thứ ăn nhanh. Phía bên trên là thùng mì tôm đã dùng hết hơn cả nửa. Lát ăn trưa, tôi sẽ dặn Linh, ăn nhiều mì tôm không tốt, chỉ cần dọa là mụn trứng cá nổi lên là nó sợ trông thấy. Tôi hiểu tính Linh mà, chăm chút, tỉa tót từng tí một trên khuôn mặt đẹp tựa như hoa ấy.

Quần áo quăng tứ tung, mỗi nơi một cái: đầu giường, cuối giường, thậm chí là cả trên sàn nhà và vài ba cái áo đã có mùi khó chịu treo lổm ngổm bên trong dây phơi nhà tắm. Trong đó có cả đồ của anh Hải. Tôi dồn vào hai cái thau lớn mà vẫn không chứa hết, tôi lắc đầu rồi xả nước, đổ xà bông và dọn dẹp thay nó. Vừa giặt quần áo, vừa trực bếp nấu nồi canh xương với vài thứ củ quả hầm kĩ cho ngọt nước. Tôi lóng ngóng, vội xả nước rửa qua loa tay chân, chạy nhanh vào tắt bếp khi thấy nồi canh xương đã tràn ra ngoài và lệch nắp vung. Tôi loay hoay vặn đủ chiều như một con ngốc từ nhà quê mới lên.

-  Tắt bếp ở đây, em còn phải khóa ga bên dưới này nữa.

Anh Hải vừa nói vừa làm, tôi thì đừng ì ra như con bé giúp việc nghe cậu chủ hướng dẫn sử dụng đồ đạc hiện đại trong nhà. Tôi cũng không biết anh ấy về từ lúc nào nữa: đùng một cái xuất hiện làm tôi không kịp phản ứng, chào hỏi gì. Tôi vội thả gấu áo, gấu quần của mình xuống khi chân tay còn ướt nhẹp, cười ngại ngùng. Anh Hải vẫn nhìn tôi cười, chắc tôi giống đồ nhà quê dữ lắm.

- Anh về lâu chưa? Để em giặt cho xong quần áo rồi gọi Linh dậy ăn trưa luôn.

- Em đến chơi thì cứ để đấy, lát Linh mang ra tiệm đồ. Em rửa chân tay đi mà nghỉ ngơi. Mấy khi anh mới thấy em qua phòng chơi, hai chị em phải tâm sự với nhau cho đỡ buồn chứ.

- Trời, có đáng bao nhiêu đâu anh. Có chút xíu mà mang ra tiệm làm gì. Họ giặt không sạch, quần áo dễ phai màu mà còn bị vò nhàu nát nữa, chưa kể là tốn kém những khoản chi phí không cần thiết. Em làm cũng sắp xong rồi. Anh rửa mặt đi rồi ăn cơm luôn.

Tôi vào phòng tắm, cứ suy nghĩ mãi câu nói của mình. Anh Hải chứ có phải mình đâu mà tiết kiệm từng đồng cơ chứ. Vừa làm, tôi vừa tự trách cái tính nhà quê của mình, mãi mà không chịu sửa, hoặc không cần sửa cũng không nên phát ngôn tùy tiện trong mọi hoàn cảnh như lúc này. Anh Hải cũng xắn gấu áo lên giúp tôi phơi đồ. Thỉnh thoảng ngẩng đầu nhìn anh, tôi bắt gặp anh cũng đang nhìn mình, ánh mắt đó khiến tôi không thể nào lí giải được.

Bữa trưa hôm đó, cũng chẳng nhiều nhặn gì. Chỉ có món canh xương, trứng chiên và rau luộc vậy mà anh Hải khen ngon mãi. Linh còn hỏi vì sao bữa nay anh ấy ăn nhiều hơn cả mọi khi dùng bữa ở ngoài nhà hàng tận quận nhất. Anh Hải cười, chỉ nói là sáng không ăn nên giờ đói. Tôi cũng đỡ ngại với cả Linh.

-  Linh, em vô rửa chén đi chứ. Để mình Đan làm hết sao được?

-  Em mới sơn móng tay bữa qua mà. Giờ đụng vô nước, hư mất.  - Giọng Linh nũng nịu và chìa hai bàn tay được tỉa đẹp ra phía trước.

Anh Hải nói tôi ở lại chơi với Linh rồi đi làm. Ánh mắt ấy vẫn đăm đăm làm tôi phải lúng túng, cười trừ:

- Em nghĩ là trời sẽ mưa đấy, để em bảo Linh lấy áo mưa cho anh.  - Tôi lí nhí cổ họng, đưa tay chỉ lên trần nhà ra hiệu ngập ngừng.

- Thôi khỏi, Linh mà lấy được cái áo mưa đưa cho anh thì hư mất cái móng tay mới tỉa tót hôm qua mất. Đan ở lại chơi vui nha, anh đi đây.

Anh cười chào tôi và lên ga, đi thẳng. Còn Linh vẫn há miệng ú ớ:"  Ơ, cái ông này, hôm nay ăn phải cái gì vậy trời?...".  Tôi đờ đẫn người:"  Anh ấy vừa ăn cơm mình nấu"...

Cả buổi chiều, chúng tôi nói chuyện bâng quơ: việc học, việc điện thoại về quê nghe bố mẹ kể ở làng có gì mới, hay chuyện sống chung của Linh được anh Hải chăm chút, gần gũi như thế nào. Linh bảo, Linh rất hạnh phúc vì được anh Hải yêu thương. Linh chẳng tiết kiệm một lời nào khi khen bạn trai của mình: nào ga lăng, chịu chi, không tính toán, kể cả chuyện chăn gối cũng rất hiểu ý nhau và cực kì thỏa mãn nữa. Tôi thấy mừng cho Linh. Tôi bỏ qua luôn cả ý định của mình tới đây là để tâm sự cho Linh nghe mọi chuyện đã xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua như thế nào. Nói ra chi nữa, chắc chắn Linh lại bảo tôi là"đồ nhà quê", thế kỉ nào rồi mà còn giữ gìn cái màng mỏng tanh đấy. Linh còn ca cẩm, cười nửa miệng:"  Nếu có quen thằng khác mà nó đòi hỏi thì chỉ cần vài triệu là xong, dịch vụ đấy trong Sài Gòn này thiếu gì". Tôi cười cười cho qua chuyện.

Linh của tôi bây giờ khác xưa nhiều lắm. Không còn là một cô gái tên Diệu Linh ngây thơ, trong sáng với đôi mắt tròn xoe tinh nghịch; thay vào đó là một bà chị Linh sành sỏi, biết ăn chơi, trải chuốt, tô son, sơn móng và đôi mắt được trang điểm kĩ, ẩn dưới hàng lông mày đen, cong vút đầy toan tính, chi li.

Tôi cũng thế, nào khác Linh là bao. Vẻ bề ngoài đã đánh mất đi hình ảnh của cô gái sinh ra và lớn lên nơi quê nghèo. Trong tiềm thức, tâm hồn tôi cũng ngày một"bẩn"và lún sâu thêm vào vũng bùn của dục vọng, ham muốn.

Chúng tôi đều đã vấp ngã.

Thời gian trôi đi khiến con người ta thay đổi quá nhiều. Không còn cái ngày cùng nhau nấu cơm, dọn dẹp hay ngồi hoạnh họe cãi lí về cách giải bài tập nâng cao. Không còn cái ngày đứa giặt quần áo, đứa kia giặt chăn màn. Không còn những đêm thủ thỉ cho nhau nghe những buồn vui trong cuộc sống rồi ôm nhau chìm vào giấc mộng. Không còn cảnh mỗi sớm mai, hai đứa cụng đầu nhau rồi chạy xô vào phòng tắm chỉ vì cố tình dậy trễ nhưng lại sợ muộn giờ lên lớp học... Không còn cảnh cười nheo cả mắt, miệng vẫn cố ngoạm nốt miếng bánh mì rồi vẫy vẫy tay hẹn gặp lại vào giờ giải lao trước khi chia ra làm hai hướng lên hai khoa khác nhau...

Ai rồi cũng phải lớn lên. Ai rồi cũng phải có cuộc sống của riêng mình. Chẳng ai có quyền định đoạt và yêu cầu người đó phải sống theo ý mà mình đưa ra. Có hay chăng cũng chỉ là ngồi nghe người ta kể, có hiểu được thì cảm thông, không hiểu nổi cũng không nên đưa ra những nhận xét hà khắc để rồi miệt thị, coi thường. Cuộc sống cuốn người ta đi theo những mối quan hệ nhập nhằng, chớp nhoáng... để rồi trong những giây phút hiếm hoi nhất được ngồi lại cùng nhau, họ vẫn luôn khao khát:"Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ".

Hơn năm giờ chiều, Sài Gòn chỉ còn thấp thoáng những tia nắng cuối ngày, tôi lên xe buýt trở về nhà, lòng đầy băn khoăn, nghĩ ngợi. Tôi tạt vào thế giới di động, xem hôm nay có gì mới hơn không. Chiếc điện thoại tôi để ý từ dạo trước, bữa nay đã giảm xuống chỉ còn hơn năm trăm nghìn. Tôi quyết định mua nó tặng mẹ và được tặng kèm theo một chiếc sim khuyến mãi còn mới tinh. Lòng tôi rạo rực trên suốt chặng đường tới bưu điện của quận, tôi nghĩ về cảm giác khi mẹ sở hữu nó và hằng ngày nói chuyện với tôi mà không cần phải thông qua bác hàng xóm khó tính bên cạnh nhà. Tôi còn tự cho mình cái quyền hãnh diện như: mẹ tôi có thể mang cả điện thoại và nói chuyện với tôi khi ra đồng, đi ngoài đường, đang nấu ăn, thậm chí là đang lấy bèo dưới ao để nấu cám cho lợn; còn bác hàng xóm thì đố mang được cái điện thoại đi đâu ngoại trừ phải tháo tung mớ dây kia lên hoặc phải ngồi quanh quẩn ở nhà để trực tiếng chuông réo. Tôi cười phá:"  Chỉ sợ lúc đó, mình lại nhịn ăn để lấy tiền gọi về cho mẹ mất thôi".

Vầng trăng kia sao mà tròn trịa thế, vầng trăng kia sao mà sáng lung linh quá thể. Hai bên đường phố bắt đầu rực sáng lên như một sợi dây mảnh dài, mềm mại. Những cửa hàng tạp hóa, khu phố bán hoa, ..., ánh sáng nhấp nháy trưng lên đẹp lạ kì. Lâu rồi, tôi mới long dong dạo phố. Những cơn gió lướt qua nhẹ nhàng như kẻ mơn trớn trên da mặt tôi, mê dại, đắm đuối. Có một đôi bạn trẻ vẫy chào tôi:"  Làm phiền cô bạn gái chụp cho mình tấm hình kỉ niệm nhé!". Tôi gật đầu, cái rụp.
.:TRANG CHỦ:.
Copyright © 2013 YeuTruyen
1
truyen teen wap hay
Polly po-cket