wap doc truyen teen

Chương 16: Người đang yêu thường rất nhạy cảm.
Nam nhắn tin cho tôi nói rằng cậu ấy đang ở sân đá bóng của trường và ngỏ ý muốn tôi qua đó chơi. Tôi chần chừ không đồng ý vội. Cảnh một đứa con gái đến khuôn viên của trường đại học khác, nhìn những cậu con trai đang ở tuổi mới lớn để lộ tấm lưng trần và cùng lăn xả hết mình để tranh giành trái bóng tròn trên sân cỏ quả là điều hết sức ngớ ngẩn. Vài phút sau không thấy tôi nhắn tin lại, Nam như hiểu thấu những gì tôi đang ngẫm, cậu ấy lại tiếp tục khuyên nhủ:"Đan đừng ngại, trường Nam tổ chức đá banh giao lưu giữa các khoa với nhau thôi, nhưng đám bạn của Nam có đá một trận với bên trường Ngân hàng đó. Nam thấy có cả anh Hải và Linh tới chung nữa mà. Rất nhiều cổ động, và cũng rất nhiều teen girl nữa. Đan đến nhé. Nhân tiện Nam muốn giới thiệu Đan với đám bạn thân luôn, kẻo chúng nó lại tưởng Nam có vấn đề về giới tính mà sao suốt ngày thấy đi lang thang một mình hoài".

Tôi nhắn tin đồng ý rồi chuẩn bị sửa soạn quần áo. Dù sao thì cũng là buổi hẹn hò với người yêu  mình, lại còn được cậu ấy giới thiệu với đám bạn bè thân thiết nữa, nên tôi không thể xuất hiện quê mùa hay xuề xoà được. Tôi đứng trước gương ngắm kĩ khuôn mặt mình lâu hơn mọi khi, chải tóc kĩ hơn mọi lần, và tất nhiên là việc tìm một bộ cánh để khoác lên mình cũng không thể cẩu thả và vội vàng được.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh của các cô gái trong buổi hẹn hò và gặp gỡ bạn bè của đối phương ở những cuốn tiểu thuyết mà mình đọc: trang điểm đậm, mặc đầm và tìm chiếc túi xách hay lựa kĩ đôi guốc mang dưới chân phải phối hợp ăn ý với nhau... Nhưng tôi không có bộ trang điểm nào ngoài thỏi son màu hồng cánh sen; tôi không có đầm ngoài quần tây, quần jean hay áo thun...; tôi thường xuyên đi dày búp bê chứ chẳng có đôi guốc nào cao trên bảy phân cả; và tôi chỉ có một chiếc ba lô cũ cùng một chiếc túi xách màu sữa Diệu Linh tặng mình mà thôi...

Tôi lại chần chừ ngồi ở bàn học rồi gọi điện cho Linh. Linh cười xòa khi nghe tôi than thở:"Cô em của tôi ơi, đi xem banh chứ có phải khoác tay nhau đi xem phim đâu mà mặc váy". Tôi thấy mình bỗng trở nên ngớ ngẩn vô cùng, vội vàng thay đồ rồi khóa cửa phòng trọ.

Sân bóng rộng và vang dội bởi tiếng người. Những cô gái trong bộ đồ cổ động màu rực rỡ nổi bật giữa đám người đang chen chúc nhau để tự tìm cho mình một vị trí ngồi có tầm nhìn tương đối ổn.

- Em! Đi thôi nào!

- Này! Buông tay cô ấy ra.

Tôi cũng không rõ Nam xuất hiện từ hướng nào. Tay Nam giật mạnh lấy tay tôi và lôi đi chừng mấy bước. Khi định thần lại được sự việc, tôi mới từ từ ngước mắt nhìn lên người ở đối diện. Anh Hải đang đứng đó, đôi lông mày cạu lại và ánh mắt biểu lộ sự nhầm lẫn:

- Di Đan. Anh xin lỗi. Anh không cố ý. Nhìn từ phía sau, anh tưởng em là Diệu Linh.

- Hừm - Nam xì ra một tiếng rất mạnh. - Diệu Linh của anh ở kia.

Tôi nhìn theo hướng tay của Nam đang chỉ ra phía nhà gửi xe. Linh đứng thẳng người và im lặng. Tôi đưa tay lên vẫy, Linh không trả lời...

- Tụi em vô sân banh trước đi. Anh và Linh sẽ vô sau.

Nam lại kéo tôi đi, vừa đi vừa hậm hực:

- Sao Đan đi trễ quá vậy? Mà lần sau tránh xa anh Hải ra, biết không?

- Vì sao chứ? Anh ấy là bạn trai của Diệu Linh cơ mà. Vả lại, anh Hải đã nói là nhầm rồi còn gì nữa.

- Nhầm cái gì mà nhầm? - Nam trừng mắt. Chưa bao giờ cậu ấy lại nổi nóng với tôi như lúc này, nhất là lại vì một chuyện vô cùng trẻ con như thế.

- Bộ Nam không thấy, Đan và chị Linh cùng bận áo phông trắng, quần jean đen và cả chiếc túi màu trắng sữa nữa đấy à.

- Nhưng nếu là tình yêu, thì dù có là chị em sinh đôi và giống nhau như hai giọt nước đi chăng nữa thì người đàn ông vẫn tìm thấy sự khác biệt ở người yêu của mình ... - Nam siết chặt tay tôi. - Đồ ngốc .

Tôi ậm ừ rồi đi theo Nam về phía sân bóng, nhưng thỉnh thoảng vẫn ngoái đầu quay lại: anh Hải và Linh hình như đang cãi nhau.

Khi đưa tôi vào chỗ ngồi ổn định ở một vị trí rất thuận lợi cho việc theo dõi trận đá bóng sắp diễn ra, Nam mới di chuyển đến đội hình. Nam chẳng khác gì một công tử bột, làn da trắng của cậu càng làm nền cho bộ đồng phục thi đấu màu đen. Dáng người Nam dỏng cao, tay chân tuy không cơ bắp nhưng cơ thể cậu luôn toát lên được chất lửa cháy hừng hực xuân xanh của tuổi ăn, tuổi lớn với người đối diện.

Hồi còn ở quê, hè năm nào tôi cũng cùng đám bạn đi xem đá bóng vào gần ba ngày cắm trại cho các em nhi đồng. Tôi cũng không am hiểu nhiều gì về luật bóng, vị trí hay yêu cầu đấu đá đối với từng cầu thủ, nhưng tôi phải thừa nhận một điều: tư thế di chuyển của Nam vô cùng đẹp mắt. ( Cũng có thể khi bạn yêu một ai, đó là nhược điểm trong mắt người khác thì cũng sẵn sàng trở thành ưu điểm và đẹp đẽ đối với bản thân mình).

- Di Đan!

Mồ hôi chảy từng hàng, từng hàng trên khuôn mặt Nam. Tôi rút chiếc khăn mùi xoa trắng trong túi xách rồi đưa cho cậu. Nam miễn cưỡng chìa tay ra đón lấy, nhưng thay vì để lau mặt mình, cậu ấy lại lau mồ hôi trên khuôn mặt của tôi. Trong một vài giây bất ngờ, tôi chỉ kịp né tránh:"Người ta đang nhìn kìa". Còn Nam thì bật cười.

- Chờ Nam ở đây, đừng có đi đâu đấy. Anh Hải hay Diệu Linh gọi cũng nói không luôn.

- Đan biết rồi... Phải ngồi yên đây... Không được đi đâu nếu Nam chưa về...

Có rất nhiều cô gái có mặt tại sân vận động, nhưng thực chất chỉ là đi tìm kiếm và ngắm nhìn một ai. Có rất nhiều lời hò hét hay cổ vũ phát ra từ miệng những cô gái, nhưng thực chất trong đầu họ chỉ là những suy ngẫm hướng về một chàng trai. Tôi đưa tay lên bên bầu má, thấy nóng ran... Bước chân Nam vẫn chạy đều đều trên sân cỏ.

Khi trận bóng đã trôi qua được một nửa thời gian, tôi mới nhìn thấy bóng dáng Linh đang ở khán đài và cố gắng di chuyển về phía tôi đang ngồi.

- Chị vào xem muộn thế? Mà anh Hải đâu ? - Tôi vừa nói vừa nhấc chiếc túi xách màu trắng sữa lên để ôm vào lòng, rồi nhường chiếc ghế bên cạnh cho Linh.

- Ừ . - Linh không nhìn tôi mà lặng lẽ ngồi xuống. Tháo chiếc mũ rộng vành ra khỏi đầu, Linh đưa hai bàn tay lên cao qươu vội mớ tóc dài rối và cuộn tròn búi gọn lại. - Trời nóng thật đấy, còn bực trong người nữa chứ. - Linh với tay lấy chai nước suối rồi dốc ngược ngay sau đó.

- Coi chừng bị sặc nước đó! Mà chị có chuyện gì à?

- Không. Mà mày hỏi anh Hải làm gì? - Linh nhìn xoáy vào mắt tôi, rất giận dữ.

- Dạ?

- Hỏi anh Hải có chuyện gì? - Linh nhắc lại. Giọng điệu dữ dằn hơn.

- Chẳng có chuyện gì cả. Tại em thấy hai người đi chung với nhau mà giờ thì còn mình chị nên mới hỏi thôi. Chứ em và anh ta thì có gì để mà nói chuyện cơ chứ.

- Thế hả? - Linh hỏi lại, giọng pha chút lạnh lùng. - Nhưng những người đang yêu thì nhạy cảm lắm, cô em gái ạ.

- ...

Về sau này, tôi mới hiểu hàm ý về câu nói của Diệu Linh. Bạn sẽ là kẻ ngốc và trở thành kẻ tiếp tay nếu để người yêu của mình ở cạnh một cô gái khác, kể cả đó là em gái của bạn, hay bạn thân của bạn hoặc là người bạn luôn tin tưởng nhất rằng: họ sẽ không bao giờ phản bội bạn, cướp đi niềm vui, nụ cười trong bạn...
Chương 17: Nam và cuộc sống của gia đình cậu ấy
- Cậu nên in là:"Cần người ở ghép", chứ đừng có in rõ rành rành là:"Cần nữ ở ghép"như thế này, hiểu không Di Đan?

Nam xé luôn tờ giấy A4 thông báo của tôi dán trên cột điện trước nhà, làu bàu vài ba tiếng rồi lẳng lặng đi thẳng vào phòng. Tôi rót nước lọc cho Nam và biết cậu ấy đã dùng rượu, cho nên nói gì hay mắng nhiếc vào lúc này đều là điều không hay cả. Sau một hồi nghe"ông cụ non Nam"trình bày, tôi cũng hiểu qua loa là cậu ấy vừa mới cãi nhau với anh Hải, mà chính bản thân cậu cũng không hiểu nguyên nhân là vì sao. Nam muốn ra ngoài ở, nhưng hiện vẫn chưa tìm được phòng trọ và muốn ở phòng của tôi một vài hôm. Tôi không đồng ý ngay lập tức, khuyên Nam hãy sang sống tạm vài hôm ở bên đám bạn học chung lớp. Nam lắc đầu, khó chịu:

- Lúc trước có tiền, giao du với dân Sài Gòn hoặc đám bạn lúc nào cũng rủng rỉnh tiền trong túi không à, có để ý gì đến dân tỉnh lẻ đâu. Giờ túi thủng, tiền rơi mất quá nửa, chẳng ai muốn tiếp đón mình nữa cả. Đan thừa hiểu điều này hơn Nam mà...

- Sáng mắt ra chưa? - Tôi nguýt dài khiến sắc mặt Nam tối sầm hẳn lại.

- Nam sẽ kiếm nhà trọ, không làm phiền Đan lâu đâu. Cùng lắm là chân cầu bên kia kìa, nam nhi chỗ nào chẳng là nhà. Đan nhỉ? - Nam vừa nói vừa chỉ tay ra ngoài cửa, giọng điệu vẻ dỗi hờn.

Tôi mắc cái chứng thở dài, thấy Nam vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Tôi nói Nam hãy cứ nghỉ ngơi đi, còn tôi sẽ nấu bữa cơm chiều. Nét mặt Nam mừng lên trông thấy:"Đan tốt bằng trời luôn", khiến tôi cũng muốn cười nghiêng ngả.

- Ở với Đan sẽ rất khổ, không có bếp ga lớn, nồi inox đẹp hay cơm nấu từ gạo thơm ngon đắt tiền, và thậm chí là có thể sẽ phải ăn mì gói vào cuối tháng nếu tháng đó phát sinh thêm tiền sinh nhật, tiền học thêm, .... Ở phòng của Đan không rộng rãi, không thoáng mát bởi điều hòa mà chỉ có gió trời và tán cây lớn trước nhà thôi. Chịu nổi thì Nam ở đỡ vài hôm trong thời gian tìm phòng trọ, nếu không thì vài ba hôm nữa cho nguôi ngoai con giận rồi về xin lỗi anh Hải. Dẫu sao, anh cũng lớn hơn mình nhiều tuổi mà. Việc giận dỗi rồi bỏ ra khỏi nhà như thế này, họ sẽ nghĩ mình còn trẻ con đó. Đúng là Nam ngốc!

Nam chẳng nói năng gì nữa, cái nhìn chằm chằm đổ dồn về  khu vực nấu nướng khi tôi vừa nhặt rau vừa giảng giải cho Nam hiểu rõ vấn đề. Mà tôi cũng không biết lời mình nói vừa rồi Nam có nghe hay không. Tôi tỏ vẻ bực mình rồi gắt gỏng:

- Có nghe Đan nói gì không vậy? Hả?

- Nghe.

- Thấm thía không? Hay là Đan nói sai?

- Nước đổ đầu vịt rồi, nghe mà không nhớ tẹo nào cả.

- Đan xin. Đan đi xỉu đây.

Đó là bữa cơm chung thứ hai của chúng tôi tại căn phòng trọ nhỏ, rộng khoảng mười sáu mét vuông này. Khác với lần trước, tinh thần của tôi cực kì thoải mái, nét mặt Nam cũng dần tươi tỉnh lên.

Nam kể cho tôi nghe nhiều hơn về cuộc sống của cậu ấy. Nam là con trai duy nhất trong một gia đình ngoài Hà Nội nên được nuông chiều từ ngày còn nhỏ. Gia đình cậu sở hữu một công ty lớn chuyên về hàng xuất nhập khẩu, nhưng gần đây tài chính lại có phần đi xuống một cách trầm trọng. Bố của Nam thì luôn có những cô trợ lý chân dài, da trắng nõn, với cái cổ đẹp như cổ thiên nga, cùng những mái tóc đủ màu sắc hợp thời, cập kè kề bên suốt cả buổi. Mẹ của Nam thì gần như gánh vác toàn bộ công việc ở công ty, sức khỏe yếu dần và nhan sắc cũng hóa thành người dưng theo ngày tháng. Bà sống trong kho tiền kiếm được, nhưng thuộc vào tốp:"Người giàu cũng khóc". Nam chán cảnh gia đình nên mới quyết định thi vào một trường Đại học trong Sài Gòn. Mẹ Nam khóc ròng, khuyên nhủ đủ điều, như nhà có mình cậu ấy là con trai thì phải ở lại Hà Nội để gần gũi với gia đình. Bố Nam hay tin, cũng liền nổi trận lôi đình:"Mày mà không học ngoài Hà Nội, thì vào đó tự kiếm tiền mà trang trải học phí và sinh hoạt, rõ chưa !".

Những lúc không kiềm chế được cảm xúc, giọng Nam khản đặc lại nơi cổ họng, nghẹn ngào cùng nước mắt:"Nam trách ông ta vì là đàn ông mà vô trách nhiệm với gia đình, bù khú, nhậu nhẹt. Còn mẹ Nam à? Đáng trách luôn. Kiếm tiền nhiều thì làm cái gì cơ chứ? Bổn phận của đàn bà trong gia đình không phải là như thế. Phải biết nấu ăn, dọn dẹp, chứ không phải mang ô-sin về nhà, chìa tiền ra trả là xong, hay cuối tuần thì kéo nhau ra nhà hàng ăn cả tiền triệu mà chẳng tìm đâu ra cái định nghĩa nào gọi là"không khí bữa ăn gia đình". Nam không rõ nữa, có lẽ ngần ấy thời gian trôi qua, bữa cơm nào cũng nguội ngắc, thiếu người ăn. Ai cũng có lí do, ai cũng bận việc cá nhân, họ bận đến mức không thể ngồi với nhau quá mười phút. Kiếm tiền nhiều để rồi chịu cảnh chồng chung, nay nghe ông ấy đi với em này, mai đi với chị kia, rồi gồng mình lên vì ghen tuông, đố kị. Không biết bao nhiêu lần cả chị gái và Nam khuyên bảo mà bà ấy không hiểu, hoặc là cố tình không hiểu. Nên chăm lo sức khỏe, nên dành thời gian chăm sóc sắc đẹp hay đi tập thể dục thể thao. Thử hỏi, vợ đẹp con ngoan thì chồng nào dám chán cơm thèm phở, chồng nào mà dám mở miệng chê cơm ngắn, thèm phở dài và coi khách sạn mới là nhà ở của mình cơ chứ..."

Và cũng bắt đầu từ ngày đó, Nam biết uống bia rượu hay tụ tập bạn bè ở những quán bar, những cuộc vui chơi quên về nhà, quên cả giờ giấc chẳng kể ngày hay đêm. Nam nhận ra, rượu không phải lúc nào cũng là một thứ chất lỏng đáng ghét, chúng chỉ mang lại toàn những phiền phức hay rủi ro. Đôi khi người ta uống rượu, cũng là lúc họ uống cái tịch mịch vô biên vào trong để lòng bớt những ngổn ngang, hay xoa dịu những nỗi đau rối bời.

Tôi gần như im lặng hoàn toàn suốt cả buổi tối. Đằng sau bộ mặt của một công tử, một cậu ấm là đây: có phần yếu đuối và mong manh như con gái. Tôi khuyên Nam hãy cứ nói hết những gì mà mình nghĩ bấy lâu nay nếu cảm thấy tin tưởng ở tôi. Tôi không giúp được tình cảm trong gia đình cậu ấy có thể hàn gắn như những tháng ngày xưa, nhưng chắc chắn tâm trạng hẳn sẽ bớt nặng nề và mọi cảm xúc xưa nay bị giấu kín có thể vơi bớt đi đôi ba phần.

Nam khóc trước mặt tôi như một đứa trẻ đang ở tuổi mới lớn và chất chứa nhiều điều cần được chia sẻ. Không phải tôi đang tự cho mình cái quyền được làm người lớn với Nam, nhưng quả thật trước mặt tôi đây không còn phải là Trần Huy Nam của thường ngày.  

Đêm buông, chúng tôi nằm quay lưng lại với nhau theo như thỏa thuận lúc tối. Thỉnh thoảng trở mình vì người quá ê ẩm, tôi bắt gặp đôi mắt sáng long lanh như hai viên bi ve của Nam, đẹp lạ và có sức hút vô cùng mạnh mẽ. Nam nói, cậu ấy khó ngủ. Tôi trả lời, có lẽ là do lạ giường, một hai hôm rồi sẽ quen. Tôi quay người trở lại vào phía tường. Bóng đen của cánh tay Nam cứ đưa lên rồi lại đặt xuống, rất ngập ngừng. Tôi gằn giọng:"Quay người và nhắm mắt lại". Sau đó là tiếng sột soạt rất khẽ trên chiếc chiếu tre phát ra. Lúc đó, tôi mới thở vội rồi từ từ nhắm mắt lại. Nhưng hễ cứ chợp mắt được một chút, tôi lại giật mình tỉnh dậy bởi giấc mơ trai gái của hôm nào. Chuyện đó vẫn ám ảnh tôi mọi lúc mọi nơi, ở trường, chỗ làm, hay cả trong lúc ngủ, vẫn miên man những tiếng rên xiết khe khẽ dịu dàng, vẫn đượm vị của những nụ hôn ngọt ngào nồng cháy. Tôi cảm nhận rõ khoảnh khắc dữ dội trong những cử chỉ yêu thương, âu yếm của ngày ấy. Và hình như, Nam đã thức suốt cả đêm hôm đó.
Chương 18: Sống thử
Những ngày đầu tiên của chúng tôi ,

Tôi đi học vào buổi sáng rồi đến thẳng chỗ làm thêm. Nam đi học, về nhà và nấu cơm đợi sẵn. Tôi bắt đầu làm quen với bữa ăn:"cơm không lành, canh cũng chẳng ngọt", nhưng ít nhất tôi cũng không còn phải ăn mì tôm vì tội lười biếng vào bếp nấu cơm sau khi đi làm khuya về. Hôm thì Nam nấu cơm khô, hôm thì gần như cháo, ngoài trứng luộc hoặc chiên thì chỉ có thịt luộc, ngoài ra Nam không chịu mua cá. Nam bảo: cá chiên thì cháy xém vỏ bên ngoài, mà bên trong thì vẫn sống nguyên; còn cá nấu, cho dù tôi đã ghi sẵn ra giấy nhưng cậu ấy cũng không thể làm được. Cậu ấy đề nghị:

- Hãy cho Nam thời gian, nhất định Nam sẽ thành người đàn ông nội trợ đảm đang nhất khu trọ này".

- Nam nấu sao thì Đan ăn nấy, nhưng đừng để hai đứa phải dìu nhau vào bệnh viện và nằm đợi bác sĩ tới cấp cứu là được rồi". Tôi bật cười trước câu nói nịnh nọt của Nam.

- Đan chờ rồi mà xem, Nam không có nói suông bao giờ.

Nam cười tít mắt rồi gắp miếng thịt luộc vào bát cơm của tôi:"Thịt luộc chín rồi, đừng lo".

Tuần thứ ba ,

Nam vẫn chưa chịu đi tìm phòng trọ với lí do đang là tháng chín, sinh viên từ các tỉnh ồ ạt vào Sài Gòn để nhập học, nên việc tìm phòng là rất khó khăn. Mà Nam thì không thích phải ở ghép, cậu ấy càng không thích va chạm hay luôn cảm thấy khó khăn trong việc hòa hợp với các bạn ở dưới quê lên vì cách sống, suy nghĩ lối sống gần như là trái ngược hoàn toàn.

Nam bảo muốn đi làm thêm, nhưng tôi chẳng thấy công việc nào hợp với cậu ấy cả. Buổi đầu tiên đi làm chung ở nhà hàng tiệc cưới, được hơn một tiếng đồng hồ, Nam đã bỏ về với lí do là mệt, đứng mỏi chân quá nên không quen. Phải một lúc sau, tôi mới biết Nam nói dối mình. Tôi bắt gặp anh Hải và Linh cùng đến dự buổi tiệc trong những bộ đồ đẹp, trau chuốt, và tay trong tay nói cười hạnh phúc. Tôi vừa định lẩn trốn để tránh sự hiểu lầm như hôm ở sân đá bóng thì đã nghe thấy tiếng gọi của anh Hải.

Anh Hải hỏi tôi về  chuyện của Nam, tôi chỉ biết hứa sẽ động viên cậu ấy để sớm trở về nhà. Anh Hải cười nửa miệng:"Cái thằng công tử bột như nó ra ngoài được vài bữa nữa là chịu hết nổi thôi, anh lạ gì cái tánh trẻ con của nó. Làm phiền Di Đan giúp anh nha". Tôi gật đầu rồi quay sang ngắm chị Tấm Linh"công chúa". Linh đẹp như nàng Bạch Tuyết trong chiếc đầm trắng đính pha lê, môi tô son màu hồng cánh sen. Khuôn mặt Linh toát lên một vẻ đẹp dịu dàng và thuần khiết. Chiếc váy ôm ngang ngực để lộ bờ vai trần không tì vết càng khiến Linh mong manh như cánh hoa trong gió và quyến rũ hơn tất cả những cô gái khác trong buổi tiệc sang trọng. Bước sang tuổi hai mươi, nụ cười tỏa nắng của Linh như đóa hoa trong thời kì nở rộ, đẹp đẽ, đầy sức sống tuổi thanh xuân. Họ mỉm cười với họ:"Hôm nay, anh chị đều rất đẹp. Quả là trai tài, gái sắc".

Tuần thứ tư ,

Nam đề nghị với tôi rằng, cậu ấy muốn ở chung phòng. Tôi giật thót khi đang đưa miếng thức ăn đầu tiên của bữa cơm tối vào miệng.

-"Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", biết không Nam?

- Nam hiểu. Nam biết Nam chẳng làm được việc gì, nhưng Nam sẽ cố gắng. Nam hứa sẽ học nấu ăn, giặt quần áo lẫn cả lau nhà. Đan đi học rồi đi làm hẳn là rất mệt, Nam sẽ dọn cơm nóng, nấu canh ngọt và bật quạt mát khi Đan về. Tiền mẹ gửi vào hàng tháng, Nam đưa Đan cất giữ tất cả để chi tiêu hàng ngày. Nam không giữ một đồng nào luôn.

- Eo ôi, chỉ có thế thôi đấy hả? - Tôi cười thầm trong bụng vì sự trẻ con lẫn ngốc nghếch này.

- Nam biết điều này là không hay, ráng đến Tết, mọi người trả phòng về quê rồi Nam đi kiếm tiếp. Chứ bây giờ...Đan biết rồi đấy.

- Để Đan suy nghĩ đã. Nam ăn tối đi.

Ăn tối xong, Nam không để tôi đụng tay vào bất cứ việc gì, từ rửa bát, lau bàn ăn cho đến cầm cây chổi để quét nhà. Cái dáng vẻ tất bật của Nam càng khiến tôi suy nghĩ về lời đề nghị của cậu ấy. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ tới chuyện hai đứa sẽ sống chung. Chưa bao giờ tôi dám kì vọng, sau mỗi ngày đi làm về tôi sẽ có cơm nóng hay canh ngọt đang đợi chờ sẵn. Tôi càng không dám đặt ra một giả thiết rằng, sau khi sống chung thì tình cảm của chúng tôi dành cho nhau sẽ còn lại là bao nhiêu ngày tháng, những gì chúng tôi nhớ về nhau là những rung động tuổi đầu đời hay chỉ là hơi thở hoặc da thịt quyện hòa vào nhau sau mỗi đêm.

Có rất nhiều cô gái, họ luôn có một suy nghĩ tiêu cực rằng, khi bản thân đã đánh mất đi cái ngàn vàng mà Chúa trời ban tặng, khi mà họ đã trải qua cơn đau đớn tột cùng của lần đầu tiên, họ thường buông xuôi và phó mặc số phận về sau này. Như chiếc lá đến ngày vàng cuống để mặc gió cuốn đi và chịu vùi mình dưới màu nâu của đất mẹ, mà trong giây lát họ bỗng quên mất  O'Henry từng viết lên câu chuyện để đời:"Chiếc là cuối cùng"đấy thôi. Tôi cũng thế, dù xuất thân từ một làng quê nghèo, được nhà trường và gia đình giáo dục, chỉ bảo kĩ lưỡng về học vấn, kinh nghiệm sống, cách ứng xử... nhưng tôi vẫn trượt chân và vấp ngã khi mới sống ở thành phố được một thời gian rất ngắn. Nhưng điều quan trọng là, tôi đã rất thành công trong việc tự đánh lừa bản thân, tự an ủi cái tôi vốn ích kỉ và sợ sệt của mình, để đôi chân được thêm vững bước hơn trên con đường lắm chông chênh của cuộc sống.

Tôi vừa ngồi ở bàn học vừa nhìn vào phòng tắm. Dáng dấp Nam đang co người để giặt giũ những chiếc quần jean cứng nhắc và ra màu đen đục.

- Nam không thấy mệt à? Ăn được có một bát cơm mà từ tối đến giờ chẳng để cho chân tay được nghỉ ngơi. Nhỡ xỉu ra đấy thì sao?

Nam nhìn tôi, mặt mũi mướt mồ hôi, nhưng vẫn tươi cười vui vẻ. Chiếc răng khểnh lấp ló dưới đôi môi ngọt ngào làm tôi khựng lại vài giây.

- Mệt gì đâu? Sức trai tráng thế này cơ mà. Nam có thể bẻ gãy sừng trâu đấy Đan à.

- Thế sao tuần trước mới đi làm được hơn một tiếng đã bỏ về?

- Ừ thì ... - Nam lấp lửng rồi nở nụ cười trừ.

- Thì mệt, Nam nhỉ! Ha ha - Tôi cười khanh khách nhìn cái vẻ mặt bí xị của Nam đang gượng gạo và hai bên gò má ửng lên một màu hồng như con gái.

Có lẽ Nam đã quen với chỗ ngủ mới và một buổi tối lao động công ích không ngừng nghỉ khiến cậu ấy vừa nằm xuống đã chìm vào giấc ngủ ngay. Tôi cảm nhận rõ được hơi thở đều đều phả vào màn đêm từ phía cậu. Khẽ đưa tay lướt dọc khuôn mặt đẹp tựa như tượng khắc, từ vầng trán cao thông minh chẳng có vết nhăn nào, đến chiếc mũi tây thẳng và thon dài, đến đôi môi đỏ chín màu cà chua như con gái và chiếc cằm lún phún một chút râu mới nhô. Tay tôi run lên và bờ vai thanh mảnh của mình cũng rung rung theo tiếng đập lỗi nhịp của tim mềm. Cái ham muốn mãnh liệt dấy lên trong lòng như đêm mưa của ngày trước làm tôi hoảng hốt quay đi, nhưng vẫn không kịp tránh ánh mắt da diết từ phía Nam vừa hướng đến. Bàn tay Nam đã vịn vào bờ vai tôi kéo lại, giọng dịu dàng:

- Đan lạnh à?

Rồi bàn tay cậu ấy siết chặt bàn tay tôi, rất ấm áp và mềm mại.

- Thực ra, Đan cảm thấy rất sợ. Những gì đã xảy ra luôn khiến Đan lo lắng và nghĩ ngợi. Đan từng nghĩ và luôn tự hào về bản thân mình rằng, Di Đan là một cô gái ngoan hiền, không yêu đương sớm, chỉ biết cặm cụi cắp sách tới trường và về nhà giúp bố mẹ nấu cơm, nhặt rau hay phơi thóc. Tất cả những gì đã xảy ra giữa hai chúng ta như một giấc mộng, Đan sợ phải chìm sâu vào vũng bùn của dục vọng khi tuổi đời cả hai còn quá non nớt. Nhưng khi đã đặt chân vào rồi, Đan lại không đủ can đảm để bước ra. Bởi vì...

- Nam sẽ không bao giờ rời bỏ Đan. Nam càng không hề có ý lợi dụng Đan. Kể cả việc Nam đề nghị chúng ta sẽ sống chung với nhau một vài tháng ở phòng trọ này. Nam biết, bản thân mình được chiều chuộng từ bé. Còn Đan lại lớn lên và sống trong một môi trường gần như là khác hoàn toàn. Nam chỉ muốn được ở bên cạnh, để hiểu nhau hơn, chăm sóc cho nhau tốt hơn, và nhất định sẽ đối xử tốt với Đan.

Câu nói này của Nam thực sự khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến thứ tình cảm chớp nhoáng được bắt đầu từ một vụ va chạm xe cộ vào ngày Tết, lại trở thành hạt giống được ươm mầm từ lâu và mỗi ngày nhú thêm một trồi xanh mơn mởn. Chúng tôi nằm ôm nhau cả đêm, ôm rất chặt, chặt đến nỗi tôi có thể cảm nhân được cơ thể mình và cơ thể cậu ấy đang đan lồng vào nhau. Tôi cảm nhận rõ từng nhịp đập trái tim, từng hơi thở ấm nóng có phần gấp gáp phả đang phả ra từ phía cậu ấy.

Ánh sáng của những vì sao đêm hắt xuống không gian, len lỏi vào từng cành cây, kẽ lá, lùa qua khe cửa sổ rồi tràn vào căn phòng nhỏ. Ánh mắt cậu ấy sáng ngời và đôi môi khẽ mỉm cười đặt nụ hôn nhẹ nhàng lên vầng trán tôi. Tôi đưa cánh ra mình ra, vòng lấy eo cậu ấy. Nam cũng nhẹ nhàng kéo tôi lại phía mình, đầu tôi ép sát vào lồng ngực đang lên xuống và lỗi nhịp kia.

Tôi gối đầu lên cánh tay của Nam và bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Trong mơ màng, tôi vẫn cảm nhận được bàn tay cậu ấy vẫn nắm giữ tay tôi, xoa xoa nhẹ, rất buồn. Tôi từ từ tỉnh dậy và ngước nhìn khuôn mặt Nam. Đôi mắt Nam đã khép lại nhưng ngón tay cậu ấy vẫn day đi day lại vào vết chai ở bàn tay tôi...

Từ nhỏ, tôi đã ra đồng gặt lúa hay đi cấy cùng cả nhà. Việc cầm chắc lưỡi liềm để cắt lúa hay dùng con dao sắc lẻm thái chuối, băm nhỏ những cọng khoai lang già làm đồ ăn cho lợn, gà là điều mà cô gái thôn quê nào cũng phải biết đến. Ngày trước, tôi thường hay dùng dao sắc gọt bớt lớp chai đó đi, nhưng sau một thời gian nó lại dày lên như cũ. Tôi vô tư hỏi mẹ về lớp da sần sùi màu vàng ố, mẹ vuốt mái tóc đen dài và trơn mượt bởi nước đun từ quả bồ kết thơm và lá bưởi quê nhà:

- Mẹ xin lỗi. Từ ngày mai trở đi, con dành thời gian đấy để làm bài tập ở trường và học thêm. Con còn nhỏ, việc học mới là quan trọng. Hiểu không?

Tôi vô tư nghĩ về thời gian rảnh rỗi bắt đầu từ ngày hôm sau: có thể ngồi bệt hàng giờ ở ngoài ngõ chơi chuyền cùng đám bạn mà hát to :"Cây mốt, cây mai, lá trai, lá hến, con nhện chăng tơ, quả mơ có hạt ...", hay những buổi đi học về có thể la cà rong chơi thay vì phải co chân chạy nhanh về nhà và hì hục nhóm bếp củi để nấu cơm mà hai mắt ầng ậc nước vì khói bụi...

Lần đầu tiên, tôi bị bố đánh vì tội đi học về muộn. Sau này lớn hơn một chút, tôi mới hiểu:"đi học về muộn"không phải là lí do chính khiến bố nổi giận nhiều đến vậy. Lần đầu tiên, bố khen:"Con gái rượu của bố cười đẹp lắm"khi tôi đang chơi chuyền cùng đám trẻ làng và nở nụ cười giòn tan...

Lần đầu tiên, chị Di Vân phải nằm ở trạm xá để truyền đạm vì kiệt sức. Chị thức khuya để ôn thi đại học. Chị dậy sớm để học thuộc bài rồi lên lớp. Chị còn phải thay tôi nấu cơm hay thái chuối, băm rau khoai lang già. Cho đến tận bây giờ, gần mu bàn tay của chị vẫn in hằn một vết thẹo dài hơn năm centimet do một lần vừa tranh thủ học bài vừa làm công việc nhà.

Lần đầu tiên, tôi xà vào lòng mẹ và biết yêu gia đình nghèo khó của mình hơn hơn bao giờ hết.

- Lạnh lắm. Con muốn ngồi nhóm bếp củi. Mẹ ơi.

- Ngồi xuống đây là ấm rồi. Con hơ tay vào gần bếp như thế này này. Đừng có đụng vào biết không. Ngón tay con sẽ lại bị chai sần đấy. Nào! Ngồi xuống đây...

- ...

- Nhanh lên không lạnh. Di Đan? Con sao thế?

- Con không sao. Ngón tay con chai sần một chút đâu bằng cảnh bố mẹ phải lam lũ sớm chiều ngoài mương máng, ruộng đồng. Ngón tay con có một chút ố vàng đâu bằng vết thẹo dài không bao giờ biến mất trên bàn tay chị Di Vân...

Năm đó, bố mẹ tôi đều bước sang tuổi bốn mươi và xây xong căn nhà từ chính những viên gạch mà cả gia đình phải đổ mồ hôi chẳng kể ngày nhào nặn hay đêm về giăng bạt che chắn gió mưa.

Năm đó, chị Di Vân thi đỗ vào trường Đại học Quốc gia Hà Nội và người gậy sọp hẳn. Cứ mùa đông đến, vết thẹo dài ở cạnh bàn tay chị lại sưng tấy và tím thâm lại.

Năm đó, tôi tròn mười hai tuổi, biết điệu đà, biết ngắm mình trước gương và cũng dành được một giải thưởng lớn trong cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện.

Tôi lại chìm mình vào giấc ngủ.

Nếu chúng tôi sống chung với nhau là vì tình yêu chân thành, thì quả là điều vĩ đại. Bởi việc sống chung trước hôn nhân thì phần thiệt thòi luôn là về phận nữ. Những cô gái của chúng ta phải làm tròn nghĩa vụ của một người phụ nữ trong gia đình trong khi xã hội, và pháp luật đều chưa ai thừa nhận cả.

Chúng tôi bắt đầu rủ nhau cùng tới nhà sách vào dịp cuối tuần. Hai đứa ngồi bệt xuống ngay chân giá đựng và ôm khư khư một vài cuốn tiểu thuyết hay sách tham khảo chuyên ngành, chăm chú đọc. Sắp đến ngày kiểm tra môn học thuộc nào đó, chúng tôi lại tự kiểm tra bài cho nhau, ai đọc sai sẽ bị phạt bằng một cái búng vào mũi, đau ran rát. Thỉnh thoảng Nam lại cười trêu:"Mũi Đan hơi thấp, búng một thời gian sẽ sưng và nhô cao như ngọn núi. Mũi Nam cao, búng riết rồi bị mòn và bành ra như quả đồi trọc ..."

Nhà bếp ở phòng trọ tôi cực nhỏ. Những hôm đi làm về sớm, tôi lại vào bếp nấu ăn, nhưng cái giấc mơ được người mình yêu đứng từ phía sau nhẹ nhàng ôm lấy lại chẳng bao giờ thành sự thật. Một mình tôi đứng nấu ăn và loay hoay tìm dụng cụ ở dưới, hay những chiếc hộp nhựa nhỏ xinh đựng gia vị nêm, mắm, muối... đến cả việc di chuyển ra vào cũng rất khó khăn thì tìm đâu ra sự lãng mạn cơ chứ. Nam như hiểu ý, cậu ấy lại vội rót mật ngọt vào tai tôi:"Sau này, tớ sẽ không để cậu phải chịu khổ đâu"... Tôi xoa xoa hai bàn tay vào nhau:"Chỉ cần cậu đừng bao giờ rời xa tớ".

Trong tích tắc vài giây đồng hồ, tôi bỗng phát hiện ra những vết chai sần màu vàng ố ở lòng bàn tay ngày càng dày cộm lên. Tôi lặng thinh ngay sau đó. Vì người con trai mà tôi yêu thương, tôi đâu quản ngại khó khăn hay thiếu thốn. Cũng tại bởi vì, những người con gái khi yêu, họ đều dốc cạn lòng mình, tâm hồn mình cho cuộc tình mà không bao giờ phải ân hận hoặc tiếc nuối. Nhưng cũng có những đôi tình nhân, họ cùng vượt qua bao nấc thăng trầm của thời gian mà cuối cùng vẫn phải chia đôi đường dang dở, để người con gái ngồi lại thẫn thờ bên bờ vực chia cắt đầy kỉ niệm, nhìn cánh chim bay:"Người con gái yêu đến cạn lòng mà vẫn cô đơn..."

Nam kéo cánh tay tôi lại phía mình, và nghịch từng ngón

- Nam từng nghĩ, Nam sẽ thương một cô gái với tính cách tiểu thư. Nam đã từng rất sợ, Nam không biết phải làm gì để bàn tay người con gái đó mãi trắng, mềm và nhỏ gọn.

- Tớ xin lỗi. Nam thấy đấy, đôi tay của mình...

- Nhưng khi nghe những câu chuyện về thời thơ ấu của Đan, Nam...

Khi nhớ lại những chuyện đã xảy ra, tôi ngỡ tưởng mình phải là người bật khóc. Nhưng không, người khóc lại là Nam. Những giọt nước mắt dịu dàng của cậu ấy rơi xuống lòng bàn tay tôi, nóng hổi. Tôi ép ngược bàn tay vào ngực trái mình. Tôi đã tự nhủ thầm:"Người con trai này sẽ không bao giờ phản bội hoặc rời xa tôi".
...................................................
Đọc truyện teen hay nhất tại yeutruyen365.wap.sh
...................................................
Chương 19: Yêu ai thì cũng phải giữ lấy mình
Cả tuần sau, Hiếu mới chịu bắt chuyện với tôi và hai đứa lại ngồi chung bàn học. Hiếu kể cho tôi nghe về cuộc sống thử với người vợ"hờ". Mọi thứ nhạt nhẽo và vô vị hơn bất cứ thứ gì trên đời. Ngoài chuyện chăn gối để thỏa mãn nhu cầu sinh lý, thì Hiếu và cô bạn gái chẳng thể hiểu đối phương đang nghĩ gì, cần gì. Hiếu mất tự do với bạn bè, không thoải mái trong lối sống phóng khoáng của tuổi thanh niên. Hiếu đổ lỗi hoàn toàn tại người vợ"hờ"của mình đã gây ra. Nhưng Hiếu cười, có cơm ăn, quần áo chẳng phải giặt, việc dọn dẹp nhà cửa cũng không phải đụng chân tay; vấn đề tài chính lại có phần dư dả hơn so với những tháng ngày trước là phải chờ mỏi mắt mới thấy bố mẹ dưới quê gửi tiền vào tài khoản. Vậy là việc sống thử của Hiếu, tiêu cực cũng nhiều, mà tích cực còn nhiều hơn.

Cậu ấy dặn tôi:

- Yêu ai thì giữ lấy mình, đừng như Hiếu. Hiếu quý Đan nên nói thẳng cho nhanh. Chỉ thiệt cho con gái thôi. Chứ cánh đàn ông, không cô này thì cô khác. Còn con gái, chỉ có một lần thôi đấy. Mà giả sử chẳng cần cái lần đầu tiên đấy đi, thì hẳn người đàn ông ấy phải cao thượng lắm. Mà kiếm được cái thằng đàn ông cao thượng ở cái thời buổi này để nó thứ tha cho cả một đời là khó lắm à nha.

- Ừm! Hiếu quan trọng chuyện giữa con gái và đàn bà, vậy sao còn làm thế? Không lẽ sau này, người vợ mà Hiếu muốn cưới phải ...?

- Phải... giống Đan . - Hiếu nhìn tôi, cười lấp liếm. Còn tôi thì trừng mắt nhìn hắn vì ngạc nhiên. - Thực ra nếu nói không, thì cũng chẳng phải; nếu nói có, cũng không hẳn là sai. Nhưng giữ được mình, là điều tốt hơn tất cả. Mà đã là điều tốt hơn tất cả thì thằng đàn ông nào chẳng thích. Đan thấy Hiếu nói đúng không?

Đã có lúc, tôi đặt mình vào Linh, vào Hiếu. Họ chung chăn, chung gối, chung cả nồi cơm là vì tình yêu hay chỉ qua đường, hoặc còn nhiều lý do nữa, chẳng hạn như là tài chính, chi tiêu. Tôi hỏi lại chính mình, tôi cũng đang vì lí do gì nữa? Nam của tôi không nhà, không cửa, không xe hay điện thoại đắt tiền. Nam của tôi còn phải đang ở nhờ phòng trọ bằng cái gian bếp với vài thứ đồ dùng lặt vặt, cái thiếu, cái hư hỏng, chật chội và nóng bức. Tôi không xin tiền của người yêu để sống; tôi càng không dựa dẫm vào người yêu để nay ăn nhà hàng này, mai tới hiệu quần áo kia sắm sửa. Vậy là, tôi và Nam không sống bằng vật chất, mà là tình yêu thật, không giả tạo, dối gian vì được che đậy bằng cái bóng đen của đồng tiền hay những nhãn mác hàng hiệu danh tiếng.

Tôi thấy tự hào, xen lẫn niềm hạnh phúc hơn Linh và Hiếu vì đã có một tình yêu đơn giản, chân thành. Tôi cảm nhận được tình yêu đấy mộc mạc, chân quê, mùi thơm thoáng dịu dàng như cỏ dại hòa quyện với gió hay trong lành như những giọt mưa rơi. Không nặng nề bởi tiền bạc, không ngào ngạt, quá nồng nặc bởi những mùi hương của nước hoa hay những bó bông hồng đỏ thắm. Cũng vì, tôi là con gái quê lên thành thị - chưa bao giờ và sẽ không bao giờ, tôi quên điều đó.

- Thế Hiếu định sống như thế đến bao giờ?

- Hiếu chẳng biết nữa. Việc sống thử thì nó như người đi chợ ý mà. Thích thì tự dọn đến để chung nồi nấu cơm, chung giường, chung chăn gối để ngủ. Mà khi đã chán ngấy rồi, mệt mỏi quá rồi, thì chắc người ta cũng tự tìm cách tách ra khỏi cái thế giới"vợ chồng trẻ con"đấy để giải thoát cho mình thôi.

- Nói thế nghĩa là Hiếu tự nhận mình vẫn chưa lớn nhé.

- Nói nhỏ Đan nghe . - Hiếu cười, ngả đầu nằm xuống bàn học, quay mặt về hướng tôi.- Tập làm người lớn thôi. Hì. Nói thật nhé, tuổi mình nè, thằng nào ra ngoài đường chẳng huênh hoang cái mặt ra vẻ ta đây to lớn lắm; chứ thực ra lớn như gà công nghiệp vậy thôi, chứ đã suy nghĩ gì nhiều đâu. Về nhà, vẫn rúc đầu vào ngực mẹ ý chứ. Mà hôm trước, đám bạn Hiếu qua phòng trọ chơi, ăn uống, nhậu nhẹt để mình con nhỏ đó nấu nướng, dọn dẹp nhìn cũng thấy tội lắm. Nhưng mà giờ nỡ vậy rồi, Hiếu nói nó về nhà đi mà kiểu gì nó cũng không nghe à.

- Bạn ý bỏ nhà qua phòng trọ ở chung với Hiếu hả? - Tôi sửng sốt.

- Thì gia đình con nhỏ này người Sài Gòn luôn mà. Nhớ chuyện ngày trước Hiếu kể cho Đan nghe không? Con gái  bây giờ ngu lắm, dại lắm. Ở nhà, có ô-sin hầu cơm tận miệng, mở van nước ấm tới tận người để đi tắm mà không thích. Thích bỏ nhà đi chui vào cái hẻm trọ hôi hám, chật chội. Hóa ra, tiểu thư Sài Gòn cũng chẳng kiêu căng, hay vênh mặt làm cao quá đâu, Đan nhỉ.

- Bạn ấy yêu Hiếu thật đó. Liệu liệu mà sống sao cho xứng đáng với tình cảm của người ta đi. Đừng có bạc bẽo, phải tội lắm.

- Hiếu biết cô ấy yêu mình thật lòng, nhưng chuyện tình cảm là thiên về cảm xúc. Chẳng lẽ, cạn cảm xúc mà lí trí vẫn cứ phải bắt bí mình làm điều ngược lại sao?Nhưng từ giở trở đi, Hiếu sẽ cố gắng và thay đổi cách cư xử của mình. - Giọng của Hiếu bình tĩnh và rất chân thành.

- Tớ rất mong các cậu được hạnh phúc.

Hiếu nói đúng cũng có, mà sai cũng nhiều. Nhưng hình như:"Con gái bây giờ nhiều đứa ngu lắm, dại lắm"là đúng hoàn toàn thì phải.

Lát sau, Hiếu và một số học sinh nam khác trong lớp cùng thu dọn sách vở và bỏ ngang tiết học. Thầy giáo bộ môn đang giảng bài cũng buộc phải dừng lại. Thầy gỡ tròng kính ra, để viên phấn lên bàn và giọng đầy trách móc:"Từ giờ trở đi, anh chị nào không muốn học thì ở nhà ngay từ đầu giùm tôi. Đừng có mang cái bộ mặt còn ngái ngủ hay bận những bộ đồ lôi thôi đến lớp. Người thì nằm bò ra bàn ngủ, người thì mân mê con dế nhắn tin, người lại không coi tôi ra cái gì, vô vô ra ra không khác gì một cái chợ. Cuối kì, anh chị nào mà có rớt môn học này thì cũng đừng trách tôi đắt đỏ trong việc cho điểm số". Rồi cả lớp lại nhao nhao lên :"Hôm nay, thầy điểm danh đi ạ. Bạn nào có mặt được hai điểm cộng vào cột điểm chuyên cần nha thầy..."

Tôi chỉ còn biết gọi với:"Ngày kia nhớ đến kiểm tra môn học này đúng giờ nhé !". Hiếu cười nhoẻn:"Ừ. Phiền Di Đan điểm danh giúp Hiếu hôm nay luôn".

Tôi thở dài. Hướng cái nhìn ra cửa sổ về phía con đường lớn của thành phố. Cuộc sống hằng ngày mang theo thứ khói bụi bặm ngàn năm vẫn không đổi, và dòng người vẫn ùn ùn đổ ra đường hứng những lớp nắng vàng óng ả của thần mặt trời vĩ đại trên cao kia. c
Chương 20: Câu chuyện tình yêu và cánh hạc định mệnh
Giờ ra chơi, tôi cũng không rời khỏi chỗ ngồi. Mỗi giây phút trôi qua đều rất quan trọng và cực kì cần thiết đối với tôi lúc này. Tôi ngồi tỉ mẩn gấp từng con hạc giấy, thẳng nếp và sắc cạnh, thân con hạc ít đường miết nên nhìn chúng rất đẹp và bắt mắt. Có những con hạc mà tôi lỡ tay gấp sai theo từng bước khiến đuôi của nó quá cong hoặc cái mỏ không thon nhọn, tôi đều bỏ đi và gấp lại một con hạc khác, đến khi nào ưng mắt thì mới thôi.

Cô bạn gái ngồi cạnh bàn tôi ngỏ ý xin được gấp hạc giấy cùng. Tôi lắc đầu từ chối.

- Tớ gấp hạc không phải để trang trí nơi bàn học của mình, nên...

- Không sao, Di Đan à. Bạn gấp hạc giấy để tặng người bạn thân nhất hay tặng cho bạn trai.

- ...

- Nhìn hai má bạn ửng đỏ thế kia là mình đoán được rồi. Bạn làm đi, mình ngồi nhìn bạn làm cũng được. Ở bạn toát lên một phong thái đẹp của một người con gái đẹp, nên mình rất quý bạn.

Tôi mỉm cười và nói lời cám ơn với cô gái gốc Sài Gòn, rồi lại chăm chỉ với công việc của mình.

- Ngày trước, mình cũng như bạn. Nếu mình gấp sai hoặc nếp gấp không mịn, không phẳng, mình sẽ bỏ đi và gấp một con hạc khác. - Giọng cô gái đều đều. - Mình luôn muốn tặng cho người mình yêu những món quà mà tự tay làm và phải là đẹp nhất. Nếu mình gấp mà xuất hiện nhiều vết nhăn, người ấy sẽ nghĩ rằng tình yêu mình trao tặng không đầy. Nếu mình gấp hạc giấy có con xấu, con đẹp, người ấy sẽ cho rằng mình là cô gái cẩu thả và không biết quý trọng, nâng niu thứ tình cảm thiêng liêng. Mình rất thích chúng, những con hạc đẹp không tì vết. Mình cũng vô cùng thán phục bạn, bạn là người không biết mệt mỏi là gì khi đi tìm thứ tình yêu tròn trĩnh, nhẵn, trơn.

- Cậu có muốn thử không? - Tôi cảm thấy xúc động thật sự khi nghe những gì cô ấy vừa nói. Nhưng cô ấy đã từ chối bằng một nụ cười mỉm và cái lắc đầu rất khẽ, rất dịu dàng. - Cậu đang có tâm sự phải không? - Tôi nhìn vào đôi mắt của cô gái. Chúng rất trong và lặng như mặt nước hồ thu, phẳng, không buồn một gợn sóng. Chúng rất u ám và ánh lên một cái nhìn buồn, như bầu trời với hàng ngàn áng mây cuộn mình màu xám đục mà chẳng thể trút cơn mưa để đợi trời hửng nắng mới.

- Mình đã từng bỏ quên những bữa cơm mà mẹ nấu, hay quên cả những cuộc hẹn của bạn bè. Mình đã từng quên làm bài tập về nhà và ngồi thức hàng đêm chỉ để gấp đi gấp lại từng con hạc giấy sao cho đẹp mắt. Khi gấp chúng, mình luôn nuôi một ý nghĩ rằng, những gì mình làm, những gì mình cố gắng sẽ khiến cho người ấy phải cảm động và không bao giờ có ý định rời xa mình. Nhưng cuối cùng thì chính bản thân lại buộc phải chấp nhận, chính những đôi cánh của loài hạc giấy này đã chắp cánh và tiếp thêm sức mạnh khiến người  ấy rời xa mình nhanh hơn...

- Tớ ... - Tôi cảm thấy vô cùng lúng túng và bối rối. Tôi giữ chặt mảnh giấy màu trên tay. Mồ hôi ở lòng bàn tay làm nó thấm ướt và có phần rữa ra những bột bụi.

- Mình không có ý gì cả. - Cô gái lại nở một nụ cười mỉm và tiếp tục câu chuyện tình yêu của bản thân. - Thật ra, khi nhìn bạn chăm chút cho từng con hạc giấy, bất giác mình thấy chạnh lòng. Chỉ có thế thôi, Di Đan đừng nghĩ mình có ý gì khác.

Đúng là trong một giây qua, tôi đã nghĩ, cô gái xa lạ này có ý định vô cùng xấu xa. Khi tôi đang dệt mộng cho câu chuyện tình yêu của mình, khi tôi đang nắn nót từng mũi kim thêu cho bông hoa của cặp uyên ương sắp đến ngày nở rộ... thì câu chuyện quá khứ của cô gái như con sóng mạnh xô vào bờ cuốn theo lâu đài cát đang xây, như một mũi chỉ thêu sai đường khiến bông hoa như đến thời kì tàn úa. Một câu chuyện tình buồn của cô gái mới quen chợt làm lòng tôi hoang mang, sợ hãi.

- Đó có phải là mối tình đầu của bạn?

Tôi bắt đầu tò mò và tự để tâm hồn mình trôi theo những dòng hồi tưởng đã cũ của một cô gái cùng lớp mà đến năm học thứ hai mới bắt đầu trò chuyện. Cô gật đầu. Đôi mắt như biết nói và ầng ậc nước, nó tố cáo một điều: cô còn rất thương và nhớ về anh ta.

- Mối tình đầu mới khiến mình nhớ lâu như thế chứ! Còn Di Đan?

- Tớ rất tin tưởng vào tình yêu của mình. Người ấy là đầu tiên và duy nhất. Tình yêu của người ấy khiến tớ biết cười, biết khóc, biết mong. - Tôi vừa trả lời vừa nhớ về Nam - cậu ấy đẹp, cậu ấy tốt, cậu ấy...

- Thực ra ở hiện tại, tớ cũng đang hẹn hò với một người đàn ông khác rồi. Tất nhiên, họ không phải là người thứ hai hay thứ ba. - Bất giác, cô gái nở một nụ cười khó hiểu . - Sau khi chia tay mối tình đầu tiên, thì việc đến và chấp nhận lời yêu của những người khác cũng sẽ rất dễ dàng. Nhưng... mình vẫn giữ 1001 con hạc giấy của ngày ấy, và không còn làm tặng những món quà như thế cho bất kì ai về sau này nữa...

Dứt lời, cô gái trở lại với chồng sách vở ở trước mặt và chuẩn bị tập trung nghe lời thầy giáo chữa bài tập ở trên bục giảng sau giờ giải lao. Tôi chỉ kịp hỏi tên cô gái.

- Mình là Linh Dương, gốc người ở Sài Gòn. Mình biết về Di Đan qua Hiếu. Hiếu luôn nói, bạn là cô gái tốt và đáng yêu.

Tôi thoáng ngại ngùng. Xưa nay, tôi vẫn nghĩ người gốc Sài Gòn rất kiêu căng và khó gần là như thế này đây.

Sau này trải qua lần vấp ngã ở tuổi hai mươi, tôi dần hiểu được tiếng yêu muốn gửi tới cho người đàn ông đầu tiên mới thực sự khó khăn như thế nào. Những nỗi nhớ cồn cào hay những thẹn thùng khó nói ở tuổi mới lớn; những nụ hôn vụng về còn bỡ ngỡ hay dè dặt vì pha lẫn tính nết trẻ con với sự tò mò và thích thú ... đều được tôi giữ kín và không bao giờ tiết lộ ra.

Còn bây giờ, nụ hôn của người đàn ông hiện tại rất dịu dàng, rất đắm say và vô cùng"đượm lửa". Nụ hôn ấy có thể đốt cháy tâm hồn tôi, cảm xúc trong tôi và cùng cuốn tôi đi theo những miên man, những nốt thăng trầm trong cuộc sống. Thế nhưng nhiều lúc, tôi vẫn nhớ lại những kỉ niệm đã qua, kỉ niệm đã bị lớp bụi của thời gian phủ mờ theo ngày tháng và vô cùng rõ nét đến từng chi tiết nhỏ.

Bởi đó là mối tình đầu của tôi.

Một người từng làm tôi đau đớn nhưng lại hạnh phúc đến tột cùng. Một người từng đánh dấu sự trưởng thành của tôi nhưng lại không đủ can đảm và lòng tin để cùng chung bước quãng đường về sau. Một người từng khiến tôi tự hào vì sở hữu nụ cười đẹp và có thể sưởi ấm cả những trái tim dù xa lạ, nhưng lại từng khóc vì một đứa con gái sinh ra ở nơi thôn quê nghèo. Một người từng vì tình yêu dành cho tôi mà sẵn sàng thay đổi nhiều thứ, nhưng lại không đủ dũng cảm quay về nói một lời xin lỗi để tìm lại hơi ấm của những bàn tay hay vị ngọt của những nụ hôn trong đêm mưa ngày nào...

Nam nhận lấy hũ đựng hạc giấy từ tay tôi vào ngày sinh nhật mình và chiếc mũi tây của cậu cứ sụt sùi một hồi lâu:

- Đàm Di Đan! Nam rất cảm động. Chưa có một cô gái nào tặng tớ những món quà như vậy cả!

Tôi lặng thinh. Tôi đã nghĩ tới tình huống này, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ rằng Nam sẽ nói điều đó với tôi.

- Ý của Nam là. Trong những món quà Nam được nhận từ trước tới nay, món quà của Đan mang đậm sắc thái tình cảm. Chưa có một cô gái nào dành thời gian của mình để làm những việc như thế. Hơn ai hết, Đan còn đi học, đi làm thêm... nên Nam càng quý trọng và giữ gìn.

Tôi thở mạnh và thả lỏng người ra:"Tớ hi vọng là cậu sẽ thích những con hạc giấy này".

Tôi nhớ lại một lần cùng với Diệu Linh đi mua quà sinh nhật cho anh Hải. Linh muốn mua cho anh một chiếc áo sơ mi kẻ sọc, thế là chúng tôi lên mạng tra cứu các nhãn mác thời trang hàng giờ đồng hồ. Tôi thấy có vài chiếc áo dài tay, trông màu sắc khá thích hợp nơi công sở, giá cả cũng phải chăng, nhưng Diệu Linh lắc đầu:

- Những chiếc áo này nhìn cũng đẹp thật, nhưng chúng rẻ quá. Anh Hải sẽ không thích và cũng có thể là chẳng mặc chúng một lần nào. Mà có chăng cũng chỉ là mặc một lần để làm vui lòng người đem nó tới tặng mình mà thôi.

- Sao lại rẻ? Nếu chị mua một chiếc áo này, tức là bằng chị mang tặng người ta cả chục bao thóc như ở dưới quê rồi đấy. - Tôi cằn nhằn lại. Nếu là tôi, tôi cũng không mua món quà này vì nó quá đắt đỏ so với túi tiền của mình, cho dù Linh có vẻ tiếc khi nói:"Chúng rẻ quá".

- Không thể so sánh như thế được, em Cám ơi là em Cám. Chị hỏi mày nhé. Chúng ta có cùng xuất thân từ một hoàn cảnh? Chúng ta có cùng lớn lên trong một điều kiện tốt? Chúng ta cũng có dám cùng bỏ ra hàng triệu đồng cho một bữa ăn hay cả xấp tiền dày chỉ để sở hữu một món hàng? Vì thế chị không thể mua chiếc áo đó được. Nó quý đối với mình, nhưng với người khác thì lại không. Chị phải thử đặt mình vào con người của anh ấy, hiểu tính cách, biết thêm sở thích để lựa chọn đồ. Nếu không mua về, anh ấy cũng để nó im ỉm trong hộc tủ mà thôi.

Câu trả lời đó làm tôi không thể nói thêm được điều gì nữa. Sau đó, Diệu Linh quả nhiên mua một chiếc áo sơ mi sọc kẻ đỏ (mà tôi cũng không còn nhớ là nó thuộc nhãn mác nào) ở Diamond Plaza với giá trên hai triệu đồng.

Sau khi thanh toán tiền, Diệu Linh lại hối thúc tôi:

- Giờ mình về phòng trọ cũ, mày nấu cơm cho chị ăn cùng luôn nhé!

- Chẳng phải lúc chuẩn bị đi mua áo, chị bảo tối phải về sớm nấu cơm chờ anh Hải về còn gì.

- Thật ra, tháng này chị chẳng còn đồng nào nữa.

Tôi nhìn nụ cười méo mó của"chị Tấm Linh"mà lòng mình trùng hẳn xuống.

Có lẽ vì một lần như thế, mà bản thân tôi cũng đã rất lo lắng khi quyết định tặng món quà hạc giấy vào ngày sinh nhật của Nam. Nhưng bây giờ, cậu ấy nói:"món quà của Đan mang đậm sắc thái tình cảm"thì tôi cảm thấy thực sự rất hạnh phúc. Bởi Nam vì tôi mà thay đổi, vì tình yêu dành cho tôi mà dần quên đi cuộc sống đủ đầy no ấm của một cậu công tử ngày nào.

Cơn buồn ngủ sau một ngày đi học và làm thêm ở nhà hàng tiệc cưới kéo đến rất nhanh, nó khiến đôi mắt tôi cứ nhíu lại. Giấc ngủ đến với tôi thật dễ dàng.

Đến nửa đêm, trời bắt đầu mưa nặng hạt. Gió đêm lùa qua cửa sổ tràn vào căn phòng nhỏ, mỗi lúc một lạnh hơn. Tôi trở mình và tỉnh giấc.

Đèn học vẫn được thắp sáng. Nam vẫn ngồi ở bàn. Những con hạc giấy đủ màu dang cánh nhỏ xinh nằm la liệt trên cuốn sách. Tôi dám chắc là cậu ấy đang ngồi để đếm số hạc giấy kia.

Không phải là một nghìn linh một con hạc giấy như những câu chuyện tình cảm lãng mạn mà các bạn đã biết.

Tôi gấp ba trăm lẻ chín con hạc giấy, bởi ngày ba mươi tháng chín là ngày sinh nhật cậu ấy...

Nhưng tôi đâu có ngờ rằng, chính sự cẩu thả của mình đã biến ba trăm lẻ chín con hạc kia trở thành cánh hạc định mệnh vào một ngày không xa sau đó.
.:TRANG CHỦ:.
Copyright © 2013 YeuTruyen
1
truyen teen wap hay
Pair of Vintage Old School Fru